Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Nói chuyện với cộng đồng;

http://blog.360.yahoo.com/blog-pu1fvAs1cqhE0e.VaQ4n7Git?p=62

Nói chuyện với cộng đồng;


CHUYỂN ĐỔI HAY HỒI HƯƠNG…

Đó không chỉ là trăn trở của tác giả Sông Lam, mà là của cả cộng đồng chúng ta, từ Ngài Đại sứ đến tất cả các cán bộ ban ngành có trách nhiệm trong ĐSQ, của cả các Hội, các đoàn thể quần chúng cho đến những người bán hàng trên đất Séc. Tôi nhận thấy một điều rất hay là, chỉ qua 2 ý kiến trên 2 số báo (78+79), các vấn đề cần nói đều đã được nói: Sông Lam đưa ra những trăn trở và nêu ra cách giải quyết từ phía những người bán hàng, đồng thời đưa ra những kiến nghị cho cấp cao hơn là các Hội như Hội người Việt Nam và Hội Doanh nghiệp. Anh Lê Văn Hảo lại đặt vấn đề ở mức cao hơn, có tính vĩ mô hơn, là “không chỉ từ phía người bán hàng”, mà cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của các Hội và của ĐSQ. Và tôi muốn nhắc lại câu kết của anh Hảo:”Sự chuyển đổi chắc chắn sẽ phải chính từ phía người bán hàng chúng ta, nhưng sẽ yếu đi và kém hiệu quả rất nhiều nếu như không có sự chỉ đạo đóng góp của ĐSQ, các Hội Doanh nghiệp và Hội người Việt Nam”.

Vâng, đúng như vậy, và ở đây tôi chỉ góp thêm với các anh không phải lý luận, mà là thực tế, những gì tôi đã nghe, đã thấy và đã biết để chúng ta cùng biết.

Trong bài trả lời phỏng vấn các báo khi mới sang nhậm chức, Ngài Đai sứ Bùi Khắc Bút đã nói:”Trên cương vị Đại sứ, tôi và ĐSQ có trách nhiệm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của Cộng đồng Việt Nam tại CH Séc. Trước hết, sự hỗ trợ lớn nhất đối với cộng đồng là thông qua các hoạt động đối ngoại hiệu quả và thiết thực, ĐSQ góp phần tranh thủ cảm tình và thái độ thiện chí của chính phủ và nhân dân Séc đối với đất nước và nhân dân VN, trong đó có cộng đồng VN tại Séc. Trong các cuộc tiếp xúc với các vị lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Séc, tôi đều thay mặt Nhà nước và Chính phủ ta cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của CH Séc đối với Cộng đồng VN trong thời gian qua, và đề nghị họ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Cộng đồng VN ở Séc cư trú làm ăn kinh doanh ổn định, hợp pháp, lâu dài…”.

Tôi được nghe kể là một lần khi làm việc với một quan chức cấp cao của chính quyền Séc, sau khi nghe vị quan chức đó khen về những đóng góp của Cộng đồng VN cho nền kinh tế Séc trong quá trình chuyển đổi, Ngài Đại sứ có hỏi lại rằng: “Tôi đã đi một số địa phương của CH Séc, đã gặp một số quan chức địa phương và họ cũng đã nói những điều như Ngài vừa nói, nhưng tại sao báo chí, đài phát thanh, truyền hình của các Ngài lại chỉ nói những điều ngược lại?. – “Ngài cũng biết đấy, báo chí của chúng tôi họ chửi cả chúng tôi, chửi cả Tổng thống của chúng tôi nữa ấy chứ!” – câu trả lời là như vậy.

Đó cũng là sự thật, phải không các bạn?

Một lần đến vùng České Velenice, chúng tôi được biết là tại đây, cộng đồng VN ít ỏi – chỉ khoảng 20 gia đình – đã tự thành lập một “Làng Việt Nam”, “Già Làng” là anh Khoa, mới ngoài 40 tuổi, chỉ đạo mọi hoạt động của Làng nhờ sự hỗ trợ đắc lực về tài chính của “Trưởng Bản” Chu Minh Khánh, 35 tuổi. Làng còn có Hội Phụ nữ mà Hội trưởng là chị Hồng, và phụ trách các em thanh thiếu niên trong Làng là em học sinh tên Vân. Và Làng cũng đã vinh dự được đón Ngài Đại sứ đến thăm đúng vào đêm trước Nô-en năm 2003.

Cũng trong số báo TTM-78, Lâm Tuyền cho ta biết thêm là “Cộng đồng người Việt tại đây không đông lắm, khoảng 30 cửa hàng với gần 200 nhân khẩu, không chỉ được mọi người biết đến với các hoạt động sôi nổi về văn hóa-xã hội, về xây dựng tình hữu nghị với nhân dân địa phương, mà còn rất nhạy bén với những thay đổi trong thương trường. Theo lời anh Tuấn, từ cách đây 3 tháng, bà con nơi đây đã quyết tâm không kinh doanh các loại hàng vi phạm bản quyền”. Cũng qua TTM, tôi được biết là dịp Tết thiếu nhi 1-6 vừa qua, České Velenice đã tổ chức rất thành công ngày vui cho các cháu với sự tham gia của các cháu thiếu nhi địa phương, và đã nhận được sự hưởng ứng và thán phục của chính quyền và nhân dân ở đây. Đó là một cách làm hay, đúng với phương châm “ngoại giao nhân dân” của Việt Nam. České Velenice đã thực sự góp phần tích cực vào quan hệ hữu nghị giữa hai nước, và là một mô hình “Chi Hội người Việt” đáng được nhân rộng trên toàn Séc. Từ những chi hội mạnh mẽ này, cộng thêm một Trung ương Hội hữu hiệu, ta sẽ có một Hội người Việt mạnh chăng?

Về vấn đề các Hội, tôi mong sẽ được đọc nhiều ý kiến khác.

Tôi đã đến thăm một chợ biên giới khác nữa, hỏi thăm các cô bán hàng tại đây, các cô đều cười rất tươi: “Họ (những nhân viên kiểm tra) đến “thăm” bọn em luôn đấy chị ạ, nhưng chẳng sao cả…”. – “Nghĩa là sao, bọn em không bán những hàng bản quyền à?” - “Có chứ, chị nhìn đây này, nhưng họ chỉ kiểm tra qua loa thôi, còn tại sao thì chị hỏi các anh chủ chợ ấy!”. Hỏi thăm mãi rồi tôi cũng biết được chủ chợ là những ai, và cũng phải hơn tháng sau tôi mới có dịp gặp Trần Dân Tiến, một trong nhiều chủ chợ của khu vực này. – “Chính quyền địa phương ở đây họ cũng tốt lắm chị ạ, họ tạo điều kiện cho bọn em”. Tiến chỉ nói có thế, nhưng tôi hiểu, để đạt được như thế không phải dễ. – “Chú ấy tài lắm, nói thật với chị, nói về tiếng thì chú ấy thua em và Hà Nga, Hà Nga còn được SQ nhờ làm phiên dịch, thế mà về các mối quan hệ với chính quyền địa phương, em và Hà Nga thua hắn, thế mới lạ chứ!”, Anh Vinh Ngô – biệt danh Già làng vùng Plzen đã nói về Tiến như vậy. Và tôi được biết ở khu vực này, các chợ người Việt hầu như đều nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Tôi không ủng hộ việc bán hàng bản quyền. Điều tôi muốn nói ở đây là vai trò của các chủ chợ đối với việc ổn định tình hình khu vực chợ. Các chủ chợ chính là cầu nối cho “tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc Séc-Việt”, sẽ hỗ trợ được nhiều cho những người bán hàng trong quá trình chuyển đổi mặt hàng kinh doanh. Về mặt “đối nội” – quan hệ giữa chủ chợ và những người bán hàng - cũng rất cần sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, ổn định tình hình kinh doanh trong chợ, tiến tới kinh doanh hợp pháp.

Tôi thiết nghĩ, với sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ của Đại sứ quán, với một Hội người Việt thiết thực và hữu hiệu, với một Hội Doanh nghiệp thành đạt và hào hoa, cùng với sự thông minh, nhạy bén của mỗi thành viên trong Cộng đồng, chắc chắn là “Cộng đồng ta năm mới thành đạt, vượt qua khó khăn, sớm thích nghi với điều kiện mới để hòa nhập và phát triển!” như lời chúc của Ngài Đại sứ Bùi Khắc Bút nhân dịp năm mới./.

Praha ngày 07/11/2004

ĐTV.

(Bài đã đăng trên báo TTM, số 80, ra ngày 10/11/2004).

Không có nhận xét nào: