Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Chuyện “vua... gừng” ở Kon Tum

http://vietnamnet.vn/kinhte/thuongnhan/2006/02/545812/


Chuyện “vua... gừng” ở Kon Tum
11:34' 28/02/2006 (GMT+7)

(VietNamNet) – Đến Kon Tum, hỏi chuyện “vua gừng” ai cũng biết. Bởi cho đến nay ở tỉnh phía Bắc Tây Nguyên này chưa có ai nhiều gừng như chị. Sản phẩm của chị không chỉ xuất đi các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh, mà còn “bay” qua biển đông để sang tới Nhật Bản.

Chị không chỉ làm giàu riêng cho bản thân mình, mà còn giúp gần 60 hộ dân đồng bào các dân tộc ở làng Phong Đắk Kia (Thị xã Kon Tum) về vốn, giống và kỹ thuật trồng gừng để họ có điều kiện thoát khỏi đói nghèo. Chị là Lê Thị Thanh Lan, ở tổ 4 phường Nguyễn Trãi - Thị xã Kon Tum.

Từ việc gian nan với gừng...


Soạn: AM 715773 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chị Lan đang giới thiệu sản phầm gừng sơ chế.
Câu chuyện làm gừng của mình được chị Lan nhớ như in. Chị kể: Từ năm 1986 đổ về trước, chị là một người phụ nữ rất nghèo, với chiếc xe đạp “cà tàng” chị đã đi khắp nơi trong vùng để mua trái cây về bán tại Trung tâm Thương mại tỉnh. Trong thời gian này, tuy công sức bỏ ra vất vả nhưng thu về chẳng được bao nhiêu. Cũng vào dịp ấy, do gia đình trồng được ít gừng, chị đã kết hợp vừa bán trái cây ở chợ vừa thu mua gừng trong vùng để gom lại bán cho khách hàng đến thu mua tận nhà...

Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như công việc cứ thế trôi đi. Nhưng theo chị, để có được ngày hôm nay chị đã gặp không ít gian nan với cây gừng. Đó là vào năm 1987, “bạn hàng” (Người thường xuyên mua gừng của chị) bỏ trốn mang theo tất cả số gừng chị thu gom được của bà con trong vùng. Sau khi bị “Cú lừa ngoạn mục” ấy, chị đã quyết định “sống chết với... gừng”.

Việc đầu tiên, chị xuống tận Gia Lai, vào tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm nơi tiêu thụ cho gừng. Mặt khác, động viên chồng con ở nhà tiếp tục thu mua gừng của bà con ở địa phương để mình đem đi tiêu thụ. Do sản phẩm gừng Kon Tum đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hơn những nơi khác, sản phẩm của chị mang đến đâu cũng được các công ty ở Gia Lai, Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận. Với phương châm “Mua tận gốc, bán tận ngọn” số tiền của chị được tăng lên. Cũng từ dịp ấy, chị đã bàn với chồng vay vốn ngân hàng mở rộng diện tích trồng 03ha gừng và động viên bà con vay vốn trồng gừng.

Năm 1995, sau gần chín năm đem gừng tiêu thụ, sản phẩm của chị tại thành phố Hồ Chí Minh đã lọt vào “mắt xanh” của ông Kawakami (một khách hàng người Nhật). Gừng đạt tiêu chuẩn đến nỗi khiến Kawakami cất công tìm đường đến Kon Tum để trực tiếp gặp chị Lan. Cũng lần gặp ấy, ông đã mấy lần mang hơn 300kg gừng của chị về Nhật làm mẫu và... mất hút. Tưởng mình lại một lần nữa bị lừa, chị Lan lại cùng chồng tiếp tục con đường buôn bán nhỏ lẻ của mình.

Chuyện “phất lên” của chị kể từ năm 1997, sau hai năm trời "bặt tăm" ở Nhật, Kawakami đã trở lại Kon Tum, đi theo ông là mấy công ty trực tiếp sang ký hợp đồng với chị để mua hàng. Cũng từ đó, sản phẩm gừng Kon Tum chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản. Chuyện “Vua gừng” cũng xuất phát từ đây. Đến nay, tất cả những gia đình trồng gừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được chị thu mua, sơ chế và xuất khẩu.

Đến giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Soạn: AM 715777 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một góc vườn gừng của gia đình.

Là phận gái, nhưng đối với chị Lê Thị Thanh Lan, ở Kon Tum chưa có người đàn ông nào dám cả gan “mạo hiểm” như chị. Khi đã tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm ở thị trường ngoài nước, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu sơ chế gừng để xuất khẩu.

Theo chị, có như thế mới giải quyết được việc làm cho người lao động hiện đang thất nghiệp ở địa phương. Với khu sơ chế sản phẩm này, mỗi vụ gừng chị đã góp phần giải quyết từ 400 đến 450 lao động trong vùng. Ngoài việc mở rộng diện tích, xây dựng khu sơ chế chị đã thường xuyên đến từng nhà để vận động bà con trong vùng tích cực mở rộng diện tích trồng gừng, giúp đỡ họ về vốn và kỹ thuật để họ làm quen với cây gừng.

Cho đến nay gia đình chị đã trồng được 5ha. Được biết, trong vụ thu hoạch vừa qua, tuy gừng rớt giá và giảm năng suất vì nắng hạn so với những năm trước, nhưng chị đã thu về trên 350 triệu đồng... Ngoài số tiền đầu tư cho tái sản xuất, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và cho bà con vay vốn làm ăn, chị Lan đã xây dựng được ngôi nhà trị giá trên 200 triệu đồng.

Là “vua gừng” ở Kon Tum, chị luôn quan tâm đến cuộc sống của những nông dân nghèo khác. Ngoài việc tạo việc làm cho lao động ở nông thôn quanh vùng, chị còn giúp gần 60 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Phong Đắk Kia vay vốn (không tính lãi) để sản xuất. Những hộ dân này đã vay tiền của chị từ ba trăm ngàn đến một triệu đồng để đầu tư trồng mía, trồng gừng và đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Cũng nhờ mượn tiền của chị, nhiều hộ gia đình ở đây đã thoát khỏi cảnh đói nghèo…

Ngoài danh hiệu “vua gừng”, chị Lan còn có những danh hiệu khác là “vua dưa”, “vua mía”. Vừa qua, chị Lan đã thu hoạch 2,5ha dưa hấu (trồng trên diện tích đất gừng) thu về trên 110 triệu đồng. Mặt khác, do được Nhà máy đường Kon Tum cung cấp 100% cây giống; đầu tư toàn bộ phân bón đến kỳ thu hoạch mía mới tính tiền (không tính lãi) và bao tiêu sản phẩm, chị và gia đình đã thuê đất đầu tư trồng 20ha mía cho Nhà máy đường Kon Tum. Với diện tích này (theo giá mía như hiện nay) sang vụ mía tới gia đình chị sẽ có thu nhập gần 600 triệu đồng.

Với việc vượt qua khó khăn để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ công sức lao động của mình và giúp đỡ nhân dân quanh vùng có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống như “vua gừng” Lê Thị Thanh Lan ở Kon Tum thì đây là một tấm gương sáng trong việc góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Không có nhận xét nào: