Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Mái nhà bất hạnh




http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289676&ChannelID=89


Thứ Tư, 26/11/2008, 08:42 (GMT+7)

Mái nhà bất hạnh

TT - Chín con người ấy như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, dù họ đang sống tại thành phố lớn nhất nước. Không công việc, không giao tiếp, không học hành, lúc tỉnh lúc mê… cả chín con người ấy đều bị tâm thần.

Bà Đinh Noan và bảy người con ngây dại (thiếu một người không chịu chụp ảnh)

Đó là gia đình của bà Đinh Noan ở đường Lão Tử, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Một gia đình khốn khổ

Ông và bà có tiền sử bệnh tâm thần nhẹ. Bà Đinh Noan nước mắt ngắn dài, lúc nhớ lúc quên: “Hồi đó ông cũng khỏe mạnh nhưng có bệnh nhức đầu và sinh ra tính tình bất thường. Ông mất đi để lại cho tôi chín đứa con thơ dại. Tôi chạy tìm miếng ăn cho chúng khổ lắm. Cũng bữa đói bữa no, may nhờ có bà con giúp”. Câu chuyện với bà như những mảnh ghép của cuộc đời, lúc nhớ lúc quên, chúng tôi chắp lại.

Nỗ lực trong nghịch cảnh

Hôm chúng tôi ghé nhà, chị Trần Anh đi làm tới 21g mới về. Thấy khách, chị chạy như rất sợ. Bất ngờ chị cười như chưa bao giờ được cười. Còn anh Trần Diên Châu đi làm nước tương ở quận Tân Bình, 6g sáng đi, 20g mới về. Về đến nhà mệt đừ, nằm bẹp dưới nền nhà ngủ mà không cần thay đồ hay tắm giặt gì.

Trong số chín người con có người mới sinh đã mắc bệnh, có người lên 5, 6 tuổi, có người 10 tuổi và có người lên 17, 18 tuổi thì phát bệnh. Chín đứa con là chín lần mang nặng đẻ đau và mỗi lần sinh con là một lần hi vọng, thế nhưng tất cả đều không như mong ước. Chồng bà mất năm 1988, tiếp đó người con út cũng ra đi năm 28 tuổi.

Cũng may là chị cả Trần Anh sinh năm 1955 bệnh nhẹ, biết đi cuốn mì thuê kiếm mỗi tháng vài ba trăm ngàn đồng và người em trai kế sinh năm 1957 Trần Diên Châu biết đạp xe, đi làm nước tương thuê. Ngoài ra, còn hai người em biết theo mẹ ra chợ nhặt rau rơi vãi hay cái gì có thể sử dụng được đem về dùng.

Trong chín người ấy chỉ có năm là tiếp xúc với ánh sáng và thỉnh thoảng ra đường, còn lại đều chui vào bóng tối trong căn hộ chung cư chật chội và đen đặc vì bồ hóng bám kín khắp nơi. Ở lâu trong bóng tối, da dẻ của họ trở nên trắng bệch, xanh xao và gầy gò vì thiếu vận động. Có người còn không biết tên mình, tên anh em và cả tên cha mẹ. Có người không bao giờ ra khỏi cửa nhà, hễ có khách là lủi vào góc tối tránh mặt.

Mong ước của người mẹ

Người mẹ 74 tuổi tiều tụy vì bản thân bị bệnh tâm thần mà phải nuôi tám người con đều bị bệnh tâm thần
Trong gia đình khốn khó, lúc tỉnh lúc mê ấy có lẽ thiên chức người mẹ mạnh mẽ nên bà vẫn còn đủ tỉnh táo để gồng gánh gia đình bất hạnh của mình. Bà biết lo cái ăn, cái mặc cho con tuy không tươm tất. Nhưng nhiều hơn hết là họ sống nhờ chính quyền địa phương và những tấm lòng hảo tâm nên cũng tạm ổn. Chị Trần Anh giọng líu trong lưỡi khoe: “Cứ ba tháng một lần, có ông nào đó đem tới cho một bì gạo 50kg. Ăn hết ông ấy lại cho. Giờ còn hai thùng to nữa”.

Bà Nguyễn Thị Bông - chủ tịch phường 11 - cho biết: “Đây là một gia đình đặc biệt. Cả gia đình đều bị căn bệnh tâm thần hành hạ. Chính quyền đã đưa họ vào diện gia đình đặc biệt cần quan tâm, thăm nom giúp đỡ để họ vơi đi phần nào bất hạnh trong cuộc sống”.

Điều đặc biệt nhất với gia đình này, theo ông Trương Ngọc Lương - chủ tịch MTTQ phường 11: “Dù bệnh tật nhưng họ sống chân tình với mọi người. Tất cả những người con tuy bệnh tâm thần nhưng rất thương yêu mẹ. Bao giờ bà mẹ ra khỏi nhà cũng có hai con đi theo. Họ không bao giờ chịu rời xa mẹ. Nhiều lần chính quyền vận động họ vào các trại để điều trị nhưng không ai chịu đi. Họ bảo tất cả là mẹ con, anh em, dù thế nào cũng phải ở với nhau”.

Chị Trần Thị Oanh - tổ trưởng tổ dân phố 59, người sống cùng chung cư với bà Noan - tâm sự: “Tội lắm, cả gia đình ai cũng bị tâm thần. Tuy có những lúc họ to tiếng với nhau nhưng chỉ một lúc sau lại thôi. Họ không gây gổ hay làm ảnh hưởng đến ai. Chính quyền muốn giúp đỡ họ cái bếp gas nấu cho tiện nhưng lại sợ họ không làm chủ được, xảy ra chuyện gì thì khổ...”.

Mới rồi chính quyền có chủ trương đưa thế giới bên ngoài đến với họ bằng cách tặng tivi nhưng cả gia đình không ai biết sử dụng. Các hội đoàn trong phường thay nhau đến hướng dẫn và nay có người đã biết mở, biết tắt, tuy có lúc chỉ xem hình mà không mở tiếng...

Nói về ước nguyện lớn nhất trong đời, bà Noan bày tỏ: “Tôi già rồi, sống chết lúc nào không biết. Chỉ mong sao trong đám con có đứa nào lập gia đình là tôi chết có thể nhắm mắt. Cả đời cố nuôi chúng, giờ chúng đều thế cả tôi lại thấy mình có lỗi với các con. Thật khó quá, chỉ mong chúng bình thường, hòa nhập với xã hội...”.

HƯƠNG NGỌC LAN

Không có nhận xét nào: