Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

ẤN TƯỢNG AS Ấn tượng Aš

http://blog.360.yahoo.com/blog-pu1fvAs1cqhE0e.VaQ4n7Git?tag=%E1%BA%A5nt%C6%B0%E1%BB%A3ngas%3B



Ấn tượng Aš

ẤN TƯỢNG AS

Sau khi đã sang Séc được một thời gian, trong một bữa tiệc, tôi khoe với anh bạn đồng nghiệp người Séc làm trong Bộ ngoại giao Séc là tôi đã đi được khá nhiều nơi trên đất Séc, anh ấy hỏi tôi là: Thế bạn đã đến Aš chưa, nơi đó cũng có nhiều người Việt Nam và nhiều cửa hàng Việt Nam đấy, tôi phải đề nghị anh nhắc lại hai lần địa danh đó, và buồn bã lắc đầu thú nhận là tôi chưa nghe nói đến địa danh đó bao giờ. Anh khoe đó là quê vợ anh, hè năm nào anh cũng đưa vợ con về thăm quê vợ và vợ anh rất thích đến các cửa hàng châu Á để mua hàng, „vì hàng hóa ở đó rẻ và những người Việt Nam rất vui vẻ và dễ mến“, anh đã khen như vậy.

Cuối cùng thì sau hơn một năm bận bịu tôi cũng đã đến được xứ Aš vào một ngày đầu Xuân vừa qua.

„Aš nhỏ nhắn và xinh xắn“ đúng như lời giới thiệu của anh Hiệp-con rể xứ Aš này. Aš chỉ có hơn 10.000 dân với khoảng trên dưới 600 người Việt đang cố gắng hòa đồng với dân bản xứ. Dọc những đường phố chính của Aš, ta bắt gặp những cửa hàng quen thuộc của người Việt chuyên doanh quần áo, dày dép, xen lẫn vài cửa hàng rau quả. „Khoảng 80% cửa hàng trên các phố đó thuộc người Việt quản lý“, anh Nghĩa - một „thổ dân“ ở đây đã tự hào khẳng định như vậy khi dẫn chúng tôi đi thăm thành phố Aš. Tôi không tin lắm vào con số này và đã đem thắc mắc này hỏi lại anh Hiệp, cháu Tiến và một vài người khác, và đã ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời tương tự. Quả là đáng tự hào! Chúng ta đã có chỗ đứng ngay trong thành phố, chứ không chỉ là bám trụ tạm thời tại các chợ đường biên. Tôi nhớ lại, có lần tôi đi bộ dọc một đường phố lớn dẫn tới siêu thị Tesco trung tâm Praha, tôi tò mò tạt vào một cửa hàng bán dày dép, quần áo đang đông khách, tôi rất ngạc nhiên khi thấy giá cả các mặt hàng đều rẻ. „Thảo nào đông khách thế! Các cửa hàng mặt phố bán hàng rẻ thế này thì các chợ của ta cạnh tranh thế nào được!“. Tôi đem phiền muộn đó về giãi bầy với chồng tôi, và ngay tối hôm đó khi đi dạo, tôi đã dẫn anh qua để chỉ cho anh xem tận mắt. Thật ngạc nhiên là cửa hàng khi đó đã sắp đóng cửa, chỉ còn lại hai người giống như một đôi vợ chồng người VN, một phút bối rối rồi chúng tôi cùng bước vào, hỏi bằng tiếng Việt, và quả không sai, đó là hai vợ chồng Đam – Hạnh, chủ cửa hàng, đang tính toán „tổng thu nhập cuối ngày“. Và chúng tôi đã vui khi được biết dọc con phố đó còn có vài cửa hàng tương tự như thế do người Việt thuê quầy và cũng thuê Tây bán hàng. Ông bà chủ chỉ cung cấp hàng và tính toán thu nhập cuối ngày. Đây quả là một hướng chuyển đối hứa hẹn và tin cậy do chính những người Việt năng động và sáng tạo, cộng với chút vốn, đã nghĩ ra. Đã có bao nhiêu dãy phố trên đất Séc có tới 80% cửa hàng của người Việt nhỉ? Đi nhiều nơi trên đất Séc, Plzen, Teplice, Chomutov, Liberec, Jihlava, Ostrava, Brno, České Budejovice... chúng tôi đã gặp nhiều „Asian shop“, „Textil – Obuv“, Ovoce – zelenina“,... của người Việt, nhưng đã có nơi nào mật độ dày đặc mà vẫn phát đạt như ở Aš chưa nhỉ?

Mức độ „hòa nhập" của cộng đồng Việt Nam tại đây cũng khá độc đáo. Chắc nhiều người trong chúng ta chưa biết rằng tại thành phố này có một người phụ nữ Việt Nam là thành viên của Hội đồng Xây dựng Kiến thiết thành phố. Chị đã là người thiết kế biểu tượng rất độc đáo – ba con cá đang mạnh mẽ nhảy chéo qua nhau – của thành phố, bản thiết kế đó đã may mắn được chọn và biểu tượng đó đã được xây dựng trên quảng trường trung tâm thành phố, có sự đóng góp không nhỏ của chị và cộng đồng người Việt. Để tạo được sự gắn kết giữa cộng đồng và nhân dân địa phương, chị đã cùng với cộng đồng người Việt tại đây góp tiền xây dựng một khu nhà khá hiện đại làm nơi vui chơi giải trí, có quán bar, sàn nhảy, khu thể thao cho người lớn, trẻ em,... Tôi chưa từng gặp mặt, chỉ nghe kể về chị, chị tên Lan, còn trẻ và xinh xắn, có một cậu con trai duy nhất đã lớn. „Chị là người lịch thiệp và nhân hậu, chị có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương“, đó là những gì tôi biết về chị.

Đến chiều thì chúng tôi đến khu chợ người Việt. Chợ cũng giống nhiều khu chợ khác rải khắp dọc chiều dài biên giới Séc. Nắng vàng làm rực rỡ hơn, tươi mới hơn những bộ váy áo trẻ em đủ màu sắc, các chị bán hàng cũng như tươi vui hơn, duyên dáng hơn, nhẹ nhàng hơn trong những bộ cánh mỏng, không giống như „phi công“ trong những bộ đồ chống rét mùa Đông. Ấn tượng của chúng tôi là chợ nhỏ, gọn và sạch sẽ.

- - C- Còn nhiều đất thế sao không xây thêm quầy, mở rộng chợ? Tôi hỏi anh quản lý chợ.

- - - - Chúng em muốn bảo đảm thu nhập cho bà con trong chợ, mở thêm quầy, bọn em thu được thêm tiền, nhưng lượng khách thì có hạn, ảnh hưởng đến thu nhập của từng quầy, bọn em không nỡ. Ở đây bọn em còn có nhiều dịch vụ hỗ trợ bà con không mất tiền như hợp pháp hóa cư trú, giấy tờ kinh doanh,...

Ban quản lý chợ ở đây còn có một mẹo nhỏ rất hay là cho phép một số dân địa phương (thường là những người thân quen có tính chất „đối ngoại“) cùng vào kinh doanh trong chợ với những mặt hàng thế mạnh của họ như quầy bán hoa, quầy bán thuốc chữa bệnh,... Cái thế „cài răng lược“ này cũng thật lợi hại, tăng cường hòa nhập, làm phong phú thêm mặt hàng kinh doanh, rồi thì các cơ quan chức năng của bạn cũng phải nương tay vì „ai nỡ đánh người của mình“. Chính phu nhân của anh Hiệp, một phụ nữ Séc chính gốc, cũng đang bán hàng tại đây, đã nhanh nhẹn dẫn hai con ra chào chúng tôi. Anh Hiệp đã hơn hai mươi năm sống trên đất Tiệp, nên duyên chồng vợ với một phụ nữ Séc và đã hào hiệp cưu mang cả hai đứa con riêng cùng gia đình bên vợ. „Anh đã tạo nên một mô hình tuyệt vời về tình hữu nghị Séc-Việt“, tôi nói với anh như vậy và chợt nhớ đến những anh Lợi – Karlovy Vary, anh Đang - Cheb, anh Tích – Praha, anh Kỳ - Most,... cùng nhiều gia đình Séc – Việt khác đang tạo nên những thế hệ người Việt lai trong lòng dân tộc Séc.

Về tương lai của chợ người Việt tại đây, các anh quản lý chợ cho biết là „khả quan chị ạ. Quan hệ của Đại diện cộng đồng với chính quyền địa phương là tốt, có sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau chứ không một phía nên bọn em không ngại. Dân sở tại đối với cộng đồng mình cũng gắn bó và tình cảm, họ cũng có lợi ích mà chị! Các hoạt động chung của cộng đồng cũng phong phú và thường xuyên, vì cộng đồng không đông nên cũng dễ tổ chức và bà con tham gia rất nhiệt tình! Có dịp mời chị đến đây chung vui cùng bà con nhỉ?“, - „Giá được như vậy!“, tôi thầm ao ước.

Chúng tôi rời Aš khi trời đã về chiều. Nắng dát vàng trên những tháp chuông nhà thờ. Những cánh đồng rau cải mới mọc xanh rì trải dọc các sườn đồi, xa xa là những rừng thông. Đất Séc tuyệt đẹp, khí hậu Séc ôn hòa, con người Séc nhân hậu, chúng tôi có nhận xét như vậy sau khi đã được đi một số nước, biết được điều kiện sống và làm ăn của dân mình. Chúng tôi mong và tin rằng đã và sẽ có nhiều nơi làm được như Aš để cộng đồng Việt Nam mình có thể đứng vững và tồn tại lâu dài trên đất bạn. Riêng tôi còn vui hơn vì có thêm nhiều chuyện để kể cho anh bạn Séc nghe về cộng đồng người Việt trên đất Aš – quê hương của vợ anh./.

Praha ngày 19/5/2004

ĐTV.

Không có nhận xét nào: