Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Kẹo Cadbury nhiễm độc melamine

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200840/20080930150630.aspx

Kẹo Cadbury nhiễm độc melamine

30/09/2008 15:06
Sô cô la của Cadbury trong một siêu thị tại Hồng Kông - Ảnh: AFP
(TNO) Ngày 29.9, phát ngôn viên hãng kẹo Cadbury của Anh thừa nhận đã phát hiện melamine trong các sản phẩm của hãng này tại Hồng Kông, Đài Loan và Úc.

Một cuộc kiểm tra đã được tiến hành sau khi Cadbury thu hồi tất cả 11 sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

“Các cuộc kiểm tra cho kết quả đã có dấu vết của melamine”, phát ngôn viên của Cadbury tại trụ sở chính của công ty ở Birmingham (Anh) thông báo. Hiện chưa biết hàm lượng cụ thể trong các sản phẩm của Cadbury.

Các sản phẩm đã được thu hồi bao gồm Cadbury Dark Chocette, Cadbury Eclairs, Cadbury Dairy Milk Chocolate, Cadbury Dairy Milk Hazelnut Chocolate, Cadbury Dairy Milk Cookies Chocolate, Cadbury Hazelnut Praline Chocolate…

Đến nay melamine đã giết chết ít nhất 4 trẻ em Trung Quốc và làm khoảng 53.000 em ngã bệnh. Đây là loại hóa chất công nghiệp được sử dụng trong ngành công nghiệp nhựa nhưng đã bị những kẻ hám lợi đem trộn vào sữa pha nước để giả làm tăng hàm lượng dinh dưỡng của sữa.

Theo AFP, ngoài Trung Hoa đại lục, đã có 5 đứa trẻ ở Hồng Kông, một ở Ma Cao và 4 ở Đài Loan bị sỏi thận sau khi uống sữa nhiễm độc melamine.

Trước đó, chính quyền Indonesia đã ra lệnh thu hồi hàng loạt sản phẩm trên toàn quốc sau khi các cuộc xét nghiệm cho kết quả các sản phẩm đó bị nhiễm độc melamine, trong đó có sản phẩm của 2 “ông lớn” Kraft Foods (nhà sản xuất loại bánh Oreo) và Mars (nhà sản xuất sô cô la M&M và kẹo Snickers).

Kraft Foods và Mars tuyên bố tuân thủ lệnh thu hồi nhưng tuyên bố không tin tưởng vào kết quả xét nghiệm của chính phủ Indonesia nên sẽ tự tiến hành các cuộc xét nghiệm riêng.

Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên của Kraft: ”Chúng tôi không sử dụng bất kỳ một loại nguyên liệu sữa nhập khẩu nào từ Trung Quốc để sản xuất Oreo, dù là sản xuất và đưa ra thị trường ở bất kỳ nơi đâu”.

Một lãnh đạo của Kraft tại châu Á Thái Bình Dương còn tỏ ra “bức xúc” hơn với tuyên bố hãng này đang cố gắng tìm hiểu xem Indonesia sử dụng phương pháp nào trong kiểm tra để cho ra kết quả kể trên.

Riêng Mars thì tuyên bố trên website của mình rằng kết quả kiểm nghiệm của Indonesia “hoàn toàn trái ngược” với kết quả ở các nước khác cũng như các kết quả độc lập ở châu Á và châu Âu.

Theo quy định của Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ, mọi hành động cố ý bỏ melamine vào thực phẩm đều phi pháp, dù với hàm lượng nào.

Trong khi đó, một số chuyên gia châu Á cho rằng một lượng melamine rất nhỏ có thể được chuyển đổi trong quá trình tiêu hóa của cơ thể.

Các hướng dẫn ở Hồng Kông và New Zealand cho rằng hàm lượng melamine trong thực phẩm ở mức từ 2,5 phần triệu trở xuống là an toàn. Tại Hồng Kông, hàm lượng này được giảm thiểu xuống còn 1 phần triệu đối với phụ nữ có thai và trẻ dưới 3 tuổi.

Đ.N

Không có nhận xét nào: