http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289194&ChannelID=194
Chủ Nhật, 23/11/2008, 04:02 (GMT+7)
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...
TT - Một bài viết xúc động về mẹ và góc ảnh của nhiều người mẹ trong những ngày dư luận đang bàng hoàng sau cú đánh của một đứa con với người mẹ già của mình…
* Video: Người đàn ông đánh mẹ
* Biết bao người cần có mẹ để yêu thương
"Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về mình mẹ lặng im"
(thơ Tạ Hữu Yên)
(Mẹ Lê Thị Cụt, 81 tuổi, thăm con là liệt sĩ Nguyễn Văn Đây ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM vào ngày Tết Mậu Tý) - Ảnh: N.C.T
“Đôi tay cảm nhận nhịp con thở
Những đêm con sốt cao
Đôi tay lạnh mát đặt lên đầu
Cho con bớt ốm”
(thơ Nguyễn Phan Quế Mai)
(Một người mẹ đang vỗ về đứa con bị bệnh... Ảnh chụp tại phòng cách ly Bệnh viện Nhi Đồng 1) - Ảnh: N.C.T.
Trên đời này, ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ. Có thể chúng ta rất không bình đẳng với nhau bởi tiền bạc, địa vị, học vấn, thậm chí cả màu da, nhưng may sao mọi người đều có chút bình đẳng này: có một người mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại đều bắt đầu bằng M để gọi người mẹ. Vì âm M ấy là tiếng gọi đầu lòng ngọt ngào, dịu dàng, trìu mến và gần gũi nhất, như mẹ đối với con vậy.
“Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên...”
(thơ Thanh Nguyên)
(Ảnh chụp tại Bệnh viện Từ Dũ, một người mẹ đang ấp ủ đứa con sinh thiếu tháng bằng phương pháp kangaroo) - Ảnh: T.T.D.
Sau khi video clip về một bà cụ bị đứa con trai già tát tai phát lần thứ hai trên nhà đài, tôi chuyển sang kênh khác. Điều ấy liệu có thật không, tôi chưa rõ, nhưng nó làm tôi bàng hoàng đến mức muốn nhìn thấy hình ảnh gì đó tương phản một chút cho đỡ sốc, cho nguôi ngoai nỗi xót xa trong lòng, vì tôi cũng là một người mẹ.
Tình cờ, trong khi lang thang tìm những hình ảnh khả dĩ an ủi, tôi nhìn thấy cảnh một con voi xiếc trở dạ trên kênh Discovery.Trong cơn thúc đẻ, con voi cái vẫn đứng với một chân bị xích và nó liên tục xoay trở, lắc mình cùng những tiếng kêu rên đau đớn… Vậy rồi một cái bọc lớn tướng từ từ rơi ra, tiếp theo là xối xả máu. Ngay tắp lự, mẹ voi rà cái vòi lăng xăng của mình xuống chú voi con đang ngọ nguậy trong bọc, giữa lúc máu sản vẫn tuôn từng đợt…
Tình mẫu tử hiện ra sống động và thiêng liêng, nó không khác với bất kỳ hình ảnh mẹ con nào, vì cùng một ngôn ngữ của tình yêu thương, sự hi sinh và tận tụy dâng hiến của mẹ dành cho con. Tôi đã khóc...
Rất hay quan sát cảnh sinh đẻ và nuôi con của muông thú, tôi thường liên tưởng đến thời sơ sinh của con người. Không có giống loài nào yếu ớt như con người. Việc đó nói lên điều gì? Nó nói rằng để một con người được lớn lên một cách bình thường thì người mẹ phải mất bao nhiêu máu thịt, công phu và nỗi niềm. Không tính xuể. Cũng chính vì vậy mà người mẹ kỳ vọng ở con mình nhiều nhất: sự thành đạt, hạnh phúc của con và chữ hiếu.
Tại sao người mẹ hay xếp chữ hiếu sau cùng chứ không ở vị trí số một? Đơn giản vì nước mắt chảy xuôi, người mẹ nào cũng nằm lòng phương ngôn ấy cũng chỉ mong con có ăn có mặc, có của có tiền và có hạnh phúc. Mọi thứ ấy con phải khác mình, chúng phải được đổi đời. Còn chữ hiếu cho riêng mình có cũng được, không có mẹ cũng chẳng màng... Như Thanh Nguyên đã viết: Mẹ - có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ...
Ai cũng được sinh ra bởi một người mẹ, vì vậy mà rồi ai cũng sẽ có một người mẹ già trong tâm tưởng của mình. Cũng như chúng ta rồi sẽ già và chúng ta sẽ là một “vấn đề” trong chữ hiếu của con mình. Mà chữ hiếu bây giờ có vẻ khác xưa. Nghĩa là người ta không cần từ quan để về vườn trông nom cha mẹ già, người ta cũng không thể sống cuộc sống tứ đại đồng đường sum họp, và có khi người ta chỉ có thể thăm nom cha mẹ của mình bằng điện thoại, email hay những phong bì hằng tháng cho nhà dưỡng lão...
Cuộc sống hiện đại đã dắt chúng ta đi xa nguồn cội rất nhiều. Dù vậy chữ hiếu muôn đời cũng không thể khác đi đến mức khiến một người con có thể vung tay tát và thét vào mặt mẹ: “Bà chết đi cho tôi nhờ!”. Nếu quả tình trên đời này đã có một người mẹ nghe được câu nói tàn nhẫn ấy thốt ra từ miệng con, tôi nghĩ ngay từ giây phút đó người mẹ đã “chết” rồi, vì trái tim mẹ đã tan nát...
"Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm
nâu bốn mùa..."
(thơ Nguyễn Duy)
(Một người mẹ đang mưu sinh ở xã Tân Thạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - Ảnh: GIA TIẾN
“Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...”
(thơ Thanh Nguyên)
(Nụ cười của hai mẹ con người phụ nữ bán chuối dạo bên đường) - Ảnh: N.C.T.
Rồi chúng ta sẽ tiễn mẹ mình một lần trong đời. Một chuyến đi xa không có ngày trở lại. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, má tôi đã ra người thiên cổ năm năm nay rồi... Ai rồi cũng sẽ đến lúc cay đắng ngậm ngùi như tôi khi chiều xuống, đêm về hay giữa khuya giật mình thảng thốt nhận ra mình không còn má để được hầu cơm, hầu chuyện nữa. Không gì bù đắp nổi khoảng trống này. Vì vậy ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, bởi có thể không bao lâu nữa, dù ta có muốn được mẹ la mắng cũng không được nữa rồi.
DẠ NGÂN
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289302&ChannelID=194
Chủ Nhật, 23/11/2008, 15:48 (GMT+7)
"Ước mơ được một lần nhìn thấy mẹ"...
"Nếu có đi một vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn
Chắc không ai ngoài mẹ"
TTO - Đã bao nhiêu độc giả thấy khóe mắt mình cay cay khi đọc bài viết Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc... (tác giả Dạ Ngân) như bạn leetrunk@, bạn Lê Ngọc Tân... trong những chia sẻ gửi về cho chúng tôi sáng nay (23-11)?...
Ngày ngày, khi thực hiện chuyên mục Những lời của con trên Tuổi Trẻ Online, chúng tôi nghe lòng mình run lên theo từng câu chuyện thiết tha, những kỷ niệm ngọt ngào, đầy xúc động của bạn đọc gửi về dành tặng cho đấng sinh thành. Và cả những cảm xúc, cả nước mắt khi đọc những yêu thương gói ghém thành lời mà những bà mẹ, những ông bố gửi về tặng cho núm ruột của mình trong chuyên mục Viết cho thiên thần của tôi (TTO).
Hẳn đó không phải là đồng cảm của riêng chúng tôi - những người biên tập các chuyên mục này - mà là đồng cảm của tất cả những ai có cha có mẹ, những ai có hạnh phúc làm cha làm mẹ và cả những người không may mắn biết cha mẹ mình là ai từ lúc sinh ra...
Vậy mà hôm nay, không ít người nghe tim mình nghẹn lại bởi biết rằng ở gần họ có một người con đánh mẹ. Và rằng trong những người bật khóc khi đọc câu chuyện ấy có nhiều người đã không còn mẹ để sớm chiều phụng dưỡng, thương yêu...
Chúng tôi xin trích đăng những ý kiến bạn đọc đã gửi về qua bài viết Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc... như một lời chia sẻ về chữ hiếu kính với mẹ cha...
* Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn…
Xin mượn một câu trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Quân để đặt tựa cho bài viết này như một lời chia sẻ với những ai còn mẹ ở trên đời… Hẳn nhiều người trong những ngày qua đã đau, đã giận bởi hành vi đánh mẹ của một người con mà Đài Truyền hình VN phát trên VTV1.
Tôi thấy xót xa về hành vi bạo hành mà kẻ thủ ác lại chính là người con, còn nạn nhân là… mẹ ruột!
Cách đây không lâu tôi đọc được bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Quân và tôi đã khóc - nước mắt thật của một người con trai còn có mẹ. Tôi nhớ đó là dịp Vu lan - mùa để những người con nhớ về ơn cù lao dưỡng dục của cha mẹ. Khóc vì tôi thấy thẹn khi mình đã để buồn lên mắt mẹ nhiều. Tôi chưa là đứa con ngoan dù tôi không phải là người ương bướng, ngỗ nghịch và… đánh mẹ. Tôi không ngoan bởi vì tôi đã để mẹ buồn vì nhớ tôi (tôi đang xa mẹ) và vì lo mỗi khi tôi ốm đau nơi xứ người.
Lớn lên trong một gia đình nghèo, nhà chỉ hai mẹ con nên hơn ai hết tôi hiểu tấm lòng của một người mẹ cao dày đến ngần nào. Tình mẹ mà tôi cảm nhận được giống như bài thơ Ngày xưa có mẹ của Thanh Nguyên:
“Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như trời đất
Như cuộc đời - không thể thiếu trong con
Nếu có đi một vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn
Chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên
Mẹ là người đặt cho con cái tên riêng
Trước cả khi con biết bật nên tiếng mẹ"…
Hành trình của một người mẹ dành cho con là hành trình của tình thương và lòng bao dung không thể nghĩ bàn. Đó là câu chuyện về những người mẹ bán vé số nuôi con ăn học. Họ không ngại khó, ngại khổ chỉ mong con cái thành đạt. Rồi có những bà mẹ thương con mà dù con ghẻ chốc khắp thân nhưng mẹ vẫn ẵm bồng…
Có câu chuyện mà tôi từng được nghe kể về lòng hiếu thuận. Một người con bất hiếu định mang mẹ vào rừng bỏ vì thấy mẹ già yếu, vô tích sự. Trước khi ông đi, đứa con nhắn: “Bố đem nội vô rừng nhớ mang xe về để mai mốt bố già con cũng… chở bố vô rừng bỏ”. Thế là ông thức tỉnh.
Câu chuyện có ngụ ý nhắc người đời, những ai còn mẹ, phải hết lòng thương kính mẹ. Những đứa con sẽ nhìn vào cách cha mẹ đã đối xử với ông bà để học hỏi và thực hành theo. Do vậy, phàm là người có hiếu tất nhiên sẽ là thầy giáo dạy con cái của mình hiếu hạnh. Mà con cái hiếu hạnh là hiếu hạnh cho mình. Nghĩ như thế để thấy rằng ta hiếu với mẹ, với ba còn là để hiếu cho ta.
Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ với những ai đang còn mẹ hãy trân quý hạnh phúc mình đang có. Hiếu chính là việc làm tạo nên cái đức của con người bởi mẹ là người đã cho ta nên vóc nên hình, truyền cho ta bài học đầu tiên về tình thương và những sự hiểu biết cơ bản. Người ta mang ơn lớn như mẹ mà còn không nhớ, còn ngược đãi thì thử hỏi ta còn có thể thương ai, còn xứng đáng là con người?
Để kết lại bài này, mời bạn hãy đọc cùng tôi đoạn thơ trong bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Quân:
“Con sẽ không đợi một ngày kia
Có người cài cho con lên áo một bông hồng
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ..."
Hãy sung sướng khi ta còn có mẹ…
ĐÌNH LONG
* Mẹ mãi trong tôi
Vừa nhìn vào tiêu đề bài viết này, lòng tôi chợt thổn thức. Nó làm tôi nhớ lại cách đây vài tháng tôi cũng có viết câu tiêu đề "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc..!" trong một entry của blog tôi. Cảm giác ấy tạo cho tôi một nỗi niềm khó tả.
Sau khi đọc bài viết này đôi mắt tôi cay rát, tôi đã bật khóc... Tôi rất bàng hoàng khi đọc được tin về "cú đánh của một đứa con". Và tôi lại càng xúc động hơn khi đọc bài viết này. Tâm trạng của người viết bài này sao giống tôi...
Tính đến giờ này mẹ tôi cũng đã đi chuyến đi vĩnh cửu được hai năm ba tháng rồi. Tôi biết rằng ai cũng sẽ có lần tiễn mẹ đi "chuyến đi cuối cùng" này. Nhưng mẹ tôi đã đi vội vì căn bệnh u thư khắc nghiệt ấy, không cho mẹ nán lại trên cõi đời này giây phút nào hết. Và kể từ đó tôi như con chim non bơ vơ giữa bầu trời đêm, như chiếc thuyền nan trôi giữa dòng đại dương, song tôi biết rằng mẹ mãi trong tôi...
leetrunk@
* Thèm lắm một tiếng mẹ...
Năm tôi 20 tuổi mẹ đã ra đi mãi mãi. Mẹ nằm đó, im lìm... như một chiếc lá vàng vừa rời cành. Mẹ ra đi nhẹ nhàng như dòng sông đã trở về nguồn. 20 tuổi, tôi mất mẹ, tôi khóc như một đứa trẻ lên ba.
Giờ đây, tôi đã là một chàng thanh niên 30 tuổi nhưng mỗi đêm về tôi lại bơ vơ, lạc lõng và lại khóc. Khóc vì bỗng giật mình khi đang ngon giấc vì thiếu vắng bóng mẹ. Khóc vì ngày xưa mỗi tiếng ho của tôi đều có mẹ hỏi han, nhưng giờ đây tôi như cố ho thật nhiều để kiềm hãm tiếng khóc của mình. Ngày xưa, tôi luôn ước mơ mình bay thật cao, bay thật xa trong con đường sự nghiệp. Nhưng giờ đây, nếu có ai hỏi rằng ước mơ lớn nhất trong đời của tôi là gì? Tôi chỉ có một ước mơ duy nhất: "Được một lần nhìn thấy mẹ, dù là trong giấc ngủ".
Nhưng mẹ đã mãi mãi xa tôi, xa thật rồi. Để rồi, 30 tuổi tôi vẫn như một đứa trẻ lên ba, vì tôi đã mất mẹ, vì tôi mồ côi... Tôi phải nói như thế nào về sự căm phẫn của mình khi xem toàn bộ hình ảnh, đọan băng ghi hình cảnh người đàn ông đánh mẹ mình kia? Tay tôi buột miệng không kịp, nước mắt đã không ngừng chảy khi những hình ảnh ấy hiển hiện trước mặt tôi.
Tôi buồn cho chính tôi vì khi xưa tôi cũng đã từng làm mẹ buồn, để rồi mãi mãi sự hội hận ấy đứng đeo suốt cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi cũng như tác giả bài viết trên đây: vẫn thường thức giấc trong đêm và gọi mẹ, vẫn thường ôm ảnh mẹ hiền mà khóc vì nhớ, vì thương và vì sự hội hận do những sai phạm nhỏ nhoi của tôi gây ra khi mẹ còn sống. Thèm lắm một tiếng la, thèm lắm một tiếng mắng yêu và thèm lắm một lời an ủi, hỏi han khi đau ốm...
NGUYỄN MINH TÚ
* Bài báo đã thức tỉnh tôi
Bài báo đã thức tỉnh tôi. Nhìn những hình ảnh về mẹ, đọc những câu thơ viết về mẹ, trong tôi trào dâng một niềm xúc động vô bờ bến. Xúc động vì hình ảnh về mẹ sao bình dị quá, tình mẫu tử nhìn thấy thiêng liêng quá, chợt nghĩ đến những hành động lúc trước đối xử với mẹ, tôi thật sự hối hận. Trong sự hối hận đó chợt dâng lên một niềm hạnh phúc vì mình vẫn hơn nhiều người khác là còn có mẹ và được nhìn thấy mẹ trên đời này.
Sau khi đọc bài báo này, tôi sẽ về xin lỗi mẹ và sẽ yêu thương mẹ mình hơn. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã thức tỉnh và đem đến cho tôi những hình ảnh đẹp về mẹ...
LÊ NGỌC TÂN
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=288840&ChannelID=118
Thứ Năm, 20/11/2008, 16:58 (GMT+7)
Biết bao người cần có mẹ để yêu thương
TTO - Tôi vô cùng phẫn uất khi xem xong video clip “đánh mẹ” của VTV. Thật sự đau lòng khi bà cụ lụm cụm chống gậy ngã xuống vì chính bàn tay con ruột của mình, bàn tay của đứa trẻ mà bà phải mang nặng đẻ đau nuôi lớn đến từng tuổi này.
Xin cảm ơn tác giả của đoạn phim, có lẽ tác giả cũng đã nhiều lần đau xót chứng kiến cảnh người mẹ này bị hành hạ. Trong khi có biết bao nhiêu người cần được gọi ai đó là “mẹ”, thế mà những người có mẹ lại không biết quý trọng thương yêu, một cái xước tay còn thấy đau đớn, sao nỡ vung tay buông lời nặng nhẹ với mẹ mình !
Mẹ, dù có lỡ lời hay trách móc, cũng là mẹ của mình, cái chữ “ruột” sao mà chua chát quá. Xin hãy dừng lại đi những ai từng lầm lỡ thẳng tay với đấng sinh thành, những ai vẫn còn ý định xin hãy từ bỏ đi. Vì cha mẹ, chỉ một và mãi mãi.
Võ Thị Ngọc Rạng
Khi xem thước phim trên tôi vô cùng kinh ngạc trước một cảnh tượng trái với đạo lý làm người và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải phóng kiếp thống khổ của bà cụ trước một người con vô đạo đức, không có lương tâm và bản thân không biết mình sinh từ đâu. Không còn lời nào diễn tả nổi!
PHAM VAN GIUP
Tim tôi như đứng lại vì thấy hành vi của người con đánh mẹ ruột của mình, nhưng buồn hơn là bà lão đã bị đối xử như vậy trong một thời gian dài. Tôi cũng rất mừng là ai đó đã ghi được hình ảnh này chuyển cho Đài truyền hình Việt Nam. Rất mong chính quyền sở tại có biện pháp xử lý đối với người đàn ông đánh mẹ, và kịp khen ngợi đối với nhân chứng đã giúp chúng ta đưa hình ảnh này đến độc giả.
Rất mong người mẹ này được sớm giải phóng, được đưa người vào nhà nuôi dưỡng người già để mẹ có những ngày vui vẻ còn lại của đời mình.
HOANG KHUE
Tôi thấy nhói lòng khi chứng kiến hình ảnh trên VTV1 tối qua. Tại sao? Trong đầu tôi trơ cứng không suy nghĩ được gì với mỗi câu hỏi tại sao? Làm cha mẹ khi sinh con thường mong muốn mình kiếm một đứa con trai không những để nối dõi tông đường mà còn có thể nương tựa về sau khi tuổi xế chiều, vậy mà....
Không biết người đàn ông vô tâm đó có con chưa, đã từng nuôi con nhỏ chưa mà hành động bất hiếu với mẹ mình như thế. Nhân tâm của con người đâu? Đối xử với người già yếu như vậy chỉ có thú vật mới làm chứ con người có tri giác, có suy nghĩ sao làm vậy? Tôi không biết ông ta đã từng đọc hay nghe câu nói : "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra " chưa? Đạo lý của người Việt Nam ở đâu?
NGUYỄN ĐĂNG HIỀN
Tội lỗi lớn nhất của đời người là tội bất hiếu, xem đoạn phim tôi thật sự thấy đau lòng. Không biết rằng con người đã đang tâm dang tay đánh mẹ ấy có còn được coi là con người nữa hay không.
Không biết có lúc nào ông ta tự đặt câu hỏi cho mình rằng ai đã sinh ra ông ta, nuôi ông ta nên vóc nên hình để bây giờ ông ta đủ can đảm dang tay đánh mẹ. Ông ta có biết rằng nếu mẹ mất đi ông sẽ không còn ai để gọi là mẹ không?
Xem xong đoạn phim, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện thoại cho mẹ chỉ để hỏi rằng mẹ đang làm gì, ăn cơm chưa, mẹ có khỏe không? Cơ quan chức năng hãy sớm vào cuộc để xã hội sẽ bớt một kẻ bất nhân bất nghĩa
VÕ THỊ KIM OANH
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289090&ChannelID=330
Thứ Bảy, 22/11/2008, 08:01 (GMT+7)
Giật mình nghĩ lại mẹ cha
TT - Thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì đó rất tự nhiên, như khát thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ...
.........................................
Chẳng biết phải gọi đây là cái gì, một sự kiện, một vụ việc hay một cú sốc xung quanh hình ảnh đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ: một người đàn ông vung tay đánh mẹ ruột được phát trên chương trình thời sự của VTV1 vào tối 19-11.
Nhưng điều mà mọi người thấy rõ nhất nơi trái tim mình là một nỗi đau nhói lòng. Tuy nhiên, dù thế nào thì điều khiến dư luận ray rứt, phẫn nộ là xác đáng, vì với sự chứng kiến của láng giềng, người đàn ông kia và vợ của mình đã nhiều lần tỏ ra hỗn xược với đấng sinh thành.
“Tôi buồn lắm” - đó là lời tâm sự của người mẹ già đã 85 tuổi ấy, mặc dù bà không một lời trách móc con, trái lại còn tỏ ý nói tốt cho con. Ở đây chúng ta có thể thấy một tấm lòng thật bao dung của người mẹ. Và với tấm lòng bao dung đó, một lần nữa chứng minh rằng bà đã từng thương con mình biết bao khi ông lần lượt ly dị hai người vợ, bỏ lại bảy người con thì bà đã lặng thầm nuôi dưỡng. Bây giờ, khi tuổi già xế bóng “như chuối chín cây”, cần một chỗ nương tựa, một nguồn an ủi thì lại...
Có lẽ chúng ta đều mong rằng đó không phải là cú đánh thật. Và nếu là cú đánh thật thì dẫu có mạnh đến mấy chăng nữa cũng không gây đau đớn thể xác bằng sự tổn thương về tinh thần. Và đó sẽ là một sự tổn thương kéo dài nếu như chừng nào chúng ta không thấy ở đấy một sự chân thành phục thiện, chừng nào chúng ta còn thấy những “cú đánh” khác vẫn diễn ra ngoài xã hội hay trong mỗi gia đình.
Thế nhưng, đâu chỉ riêng chuyện ngược đãi mẹ. Cứ ngồi bình tâm kiểm chứng lại mà xem, bây giờ có mấy ai kính cẩn dạ thưa với cha mẹ? Hay lúc nào cũng xẵng giọng như người ngang hàng, thậm chí như kẻ bề trên? Cứ nhìn xung quanh mình mà xem, có mấy người biết thương yêu cha mẹ mình thật sự; thương yêu vô điều kiện, không phải vì bổn phận, như lời thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì đó rất tự nhiên, như khát thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ”.
Thế nhưng, điều tự nhiên như quy luật của nguồn cội, đạo lý ấy bây giờ nhiều người đã đánh mất. Nếu xét trên bối cảnh đời sống hiện đại, cho dù ở thành thị hay nông thôn thì con người hôm nay mang trong mình rất nhiều áp lực. Những mối quan hệ dù thân tín hay sơ giao cũng đều là những mối quan hệ có điều kiện. Trong quan hệ gia đình cũng hình thành những mối quan hệ có điều kiện như thế.
Có người không phải không biết nghĩ về tình thương cha mẹ, nhưng khi thấy mình cực khổ quá chẳng hạn, liền có ý nghĩ “vì sao ta phải chịu cực thế này?”. Và những hành vi mất kiểm soát có thể bắt đầu từ ý nghĩ đại loại như vậy. Chúng ta cũng thường quên đi một điều, việc tìm kiếm hay có được niềm hạnh phúc phụ thuộc ở những gì đạt được về đạo đức. Và đạo đức không hình thành trên điều kiện cần và đủ, hay phô diễn một thời điểm nào đó, mà nó phải thường xuyên như một trạng thái tốt của tinh thần.
TRẦN NHÃ THỤY
Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét