Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Bốn xu hướng thế giới năm 2025

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289387&ChannelID=2


Thứ Hai, 24/11/2008, 08:04 (GMT+7)

Bốn xu hướng thế giới năm 2025

TT - Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ (NIC - một cơ quan tình báo Mỹ có trách nhiệm hoạch định chiến lược trung và dài hạn) vừa đưa ra báo cáo mang tên “Những xu hướng toàn cầu 2025: một thế giới thay đổi”. Báo cáo (được soạn thảo năm năm một lần) này đã giới thiệu bốn xu hướng chính của sự phát triển thế giới.

Đến 2050, có thể sẽ có tới 150 triệu người tị nạn môi trường - Ảnh:www.takepart.com

Bốn xu hướng chính của thế giới 20 năm sau sẽ là: Thứ nhất, hệ thống quan hệ quốc tế có những thay đổi lớn: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có được chỗ ngồi trong bàn của các “đại gia hàng đầu” thế giới, mà còn bắt đầu “đặt cược và xác định luật chơi”. Thứ hai, tiếp tục sự dịch chuyển làn sóng sung túc từ Tây sang Đông. Thứ ba, tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số thế giới dẫn tới thiếu hụt tài nguyên. Và thứ tư, gia tăng khả năng xuất hiện những xung đột quốc tế mới.

Ý tưởng then chốt của bản báo cáo là sự suy tàn của hệ thống đơn cực mà Mỹ từng đóng vai thống lĩnh. Vẫn còn là đối tác hàng đầu thế giới, nhưng vị trí thống lĩnh của nước Mỹ năm 2025 sẽ bị suy yếu. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục đóng vai trò trung gian ở Trung Đông và châu Á cho dù tâm trạng chống Mỹ ở những nơi này có tăng.

Theo các tác giả báo cáo, trật tự đa cực đang được hình thành sẽ làm các xung đột thế giới thường xuyên hơn, phức tạp hơn. Cuộc chiến giành tài nguyên thế giới năm 2025 sẽ diễn ra với sự tham gia tích cực của “các chế độ chính trị hiếu chiến” (“các quốc gia xấu”) và các nhóm khủng bố. Những chủ thể này đều nhận được khả năng tiếp cận lớn với vũ khí nguyên tử nên nguy cơ sử dụng chúng sẽ tăng lên.

Những xung đột của tương lai

Các tác giả báo cáo đã chỉ ra sự nguy hiểm trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông. Theo báo cáo, trong 15 - 20 năm tới, các giải pháp về chương trình hạt nhân của Iran “có thể đẩy một số cường quốc khu vực tới những nỗ lực mạnh hơn trong lĩnh vực này, cũng như nhiều tham vọng nhận được vũ khí hạt nhân hơn”. Tình báo Mỹ không cho rằng việc Iran có được vũ khí hạt nhân là tất yếu, tuy nhiên điều đó không thể xua tan nỗi lo âu của các láng giềng Iran.

Việc vũ trang hạt nhân của các nước Trung Cận Đông, theo các tác giả báo cáo, sẽ không dẫn tới hệ thống kiềm chế trong khu vực giống như hệ thống từng tồn tại thời chiến tranh lạnh. Ngược lại, một khi nắm trong tay vũ khí nguyên tử, các nước này cảm thấy được bảo vệ sẽ sẵn sàng tiến hành những xung đột và các chiến dịch quân sự lớn với sự tham gia của vũ khí thông thường, đồng thời tổ chức các hoạt động khủng bố.

Nhìn chung, theo báo cáo, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân tuy tăng lên nhưng vẫn là rất thấp, thế nhưng nỗi lo của các tác giả báo cáo là sự đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan có thể chuyển thành xung đột quy mô lớn. Một nguy cơ riêng khác nằm trong khả năng sụp đổ chế độ của một quốc gia có tiềm năng hạt nhân.

“Nếu vũ khí hạt nhân trong 15- 20 năm tới sẽ được sử dụng, hệ thống thế giới sẽ bị một cú đấm trí mạng bởi phải đối phó với những hậu quả nhân đạo, kinh tế và chính trị - quân sự”, báo cáo viết. Nguy cơ vũ trang hạt nhân còn có thể dẫn tới những dịch chuyển địa chính trị nghiêm trọng, nếu các nước không (vũ khí) hạt nhân buộc phải liên kết với các quốc gia hạt nhân.

Năm 2025, những nhóm khủng bố nổi tiếng như Al Qaeda có thể suy tàn. “Các điểm yếu của Al Qaeda: không đạt được các mục tiêu, không có khả năng lôi cuốn đông đảo quần chúng và những hoạt động phá hoại có thể dẫn tới sự sụp đổ của nó nhanh hơn nhiều người tưởng” - báo cáo viết. Tuy nhiên sự sụp đổ của Al Qaeda không đồng nghĩa với sự khủng hoảng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nói chung, vì thế báo cáo kêu gọi đưa ra những giải pháp chiến lược “không để xuất hiện những nhóm khủng bố kế thừa”.

Những nước may mắn

Báo cáo NIC đưa ra bức tranh tươi sáng cho một số quốc gia. Chẳng hạn, bán đảo Triều Tiên tới năm 2025 có thể sẽ thống nhất. Các quốc gia Hồi giáo bên ngoài thế giới Ả Rập như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia cũng hứa hẹn trở thành những đối tác thế giới uy tín. Điều đó cũng có thể diễn ra với Iran nếu nước này theo đuổi chế độ thế tục. Ở châu Á, câu chuyện thành công sẽ tiếp tục đối với Hàn Quốc, Singapore và lãnh thổ Đài Loan.

Thế nhưng thành công lớn nhất sẽ thuộc về nhóm BRIC: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, những nước được lợi từ việc tăng giá dầu và hàng tiêu dùng. Trong số này, cường quốc thành công nhất sẽ là Trung Quốc, năm 2025 có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có sức mạnh quân sự đáng gờm nhất.

Với Nga thì tình hình phức tạp hơn. Một mặt sự thay đổi khí hậu đang đi về hướng có lợi cho các nhà khai thác dầu khí cũng như cho nông nghiệp, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế Nga. Tuy nhiên sự phồn vinh của Nga cũng bị tác động bởi một số vấn đề như thiếu hụt đầu tư vào khu vực năng lượng, tội ác có tổ chức và nạn tham nhũng.

Với các nước châu Phi và Nam Á, báo cáo nói tình trạng bùng nổ dân số và ấm dần toàn cầu sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề, có thể làm ảnh hưởng an ninh quốc gia và dẫn tới thiếu hụt tài nguyên.

Chương trình nghị sự mới xuyên quốc gia

Các vấn đề về dự trữ tài nguyên trong 20 năm tới sẽ chiếm vị trí thống lĩnh trong chương trình nghị sự quốc tế. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cùng lúc đã đặt áp lực nặng nề lên các nguồn dự trữ chiến lược, trong đó có năng lượng, thực phẩm, nguồn nước và đặt ra yêu cầu tìm nguồn dự trữ thay thế. Đến năm 2025, thế giới sẽ ở giữa đường của cuộc chuyển đổi năng lượng cơ bản từ dầu, khí tự nhiên và than đá sang các nguồn năng lượng thay thế khác.

Báo cáo này được thực hiện trong một năm qua, và điều quan trọng là nó chưa tính tới cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Chủ tịch NIC Thomas Fingar vì thế nhận định: “ Ở một số khía cạnh, mà chính là khía cạnh tiêu cực, tiến độ của các thay đổi dự kiến tới năm 2025 sẽ diễn ra nhanh hơn chúng ta tưởng”. Ban lãnh đạo của chính quyền Obama vừa đắc cử, sẽ lên nhậm chức năm 2009, đã được giới thiệu với bản báo cáo này.

Ngân hàng Thế giới ước tính nhu cầu lương thực sẽ tăng 50% trong 30 năm tới. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi dân số thế giới trong 20 năm tới sẽ tăng 1,2 tỉ người. Các chuyên gia thống kê được hiện nay khoảng 21 quốc gia, với tổng dân số 600 triệu, đang bị khan hiếm đất trồng và nước uống. Nhưng vì dân số gia tăng nên sau 20 năm nữa, tới 36 quốc gia với tổng dân số 1,4 tỉ người rơi vào phạm trù thiếu hụt này. Chỉ việc áp dụng công nghệ mới mới giúp giải quyết vấn nạn này, nhưng đến nay việc chuyển đổi vẫn đang diễn ra với tốc độ chậm. Trong khu vực năng lượng, các tính toán nói phải mất trung bình 25 năm để một sản phẩm công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi.

NG. THANH trích lược (Theo Lenta, NTI

Không có nhận xét nào: