Thứ Ba, 25 tháng 11, 2008

Môi trường kinh doanh 2009:

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=289543&ChannelID=11

Thứ Ba, 25/11/2008, 10:09 (GMT+7)

Môi trường kinh doanh 2009:

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp

TT - Năm 2009, khó khăn sẽ nhiều hơn cơ hội, đó là nhận định chung của các chuyên gia trong buổi tọa đàm “Môi trường kinh doanh VN năm 2009, phân tích và dự báo” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 24-11.


Lượng hàng hóa tồn đọng quá lớn tại cảng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: hàng container xếp chồng 5-7 tầng tại bãi cảng Vict, TP.HCM (ảnh chụp tháng 4-2008) - Ảnh: Thanh Đạm



Theo ông Vũ Duy Thái - chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, năm 2008 Chính phủ chỉ đạt được 13 chỉ tiêu trong 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2009 vẫn khá nặng, đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp phải nỗ lực lớn.

Cải thiện không đáng kể

Theo ông Thái, hiện dù Chính phủ đã tuyên bố nhiều ưu tiên nhưng ngay Hà Nội, số doanh nghiệp được vay vốn chỉ khoảng 9%. Với các hộ kinh doanh, tỉ lệ này càng ít hơn, chỉ 510/115.000 hộ, chưa được 0,5%. Ông Thái khẳng định do vốn bị siết cả hai đầu sản xuất và tiêu dùng nên nhiều doanh nghiệp buộc phải đi vay nóng với lãi suất cao, không ít doanh nhân lâm vào nợ nần, khó gượng dậy trong năm 2009.

Đánh giá triển vọng môi trường kinh doanh ở VN năm 2009, TSKH Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế chính trị thế giới - cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh đến VN, bởi khủng hoảng đã xảy ra ở Mỹ thường sẽ lan ra toàn cầu. Đặc biệt, khủng hoảng từ bất động sản thường gây hậu quả lâu dài nhất, như Nhật Bản đã bị trì trệ cả một thập kỷ. Do đó, nếu điều hành không tốt, VN sẽ có nguy cơ vừa giảm phát, vừa lạm phát, nghĩa là giảm sản xuất, người dân sẽ mất việc làm nhưng hàng hóa lại đắt hơn. Bên cạnh đó, do xuất khẩu khó, hàng tồn kho từ Trung Quốc dự báo sẽ bán giá rẻ sang VN, đặt nền sản xuất trong nước trước thách thức rất lớn.

Trong khi đó, TS Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế VCCI - tổng hợp các báo cáo về môi trường kinh doanh của VN và cho biết sự cải thiện gần như không đáng kể: “Năm ngoái đứng cuối nhóm đầu, năm nay đứng đầu nhóm cuối”. Ba nút thắt của nền kinh tế là thủ tục hành chính, nhân lực và hạ tầng chưa cải thiện đáng kể. Dẫn chứng tình trạng trên, ông Huỳnh cho hay chỉ riêng trong năm 2007, lượng hàng hóa tồn đọng ở các cảng với thời gian 60 ngày đã lên tới 70.000 tấn.

Nên tính tới “kinh doanh khủng hoảng”

TS Trần Đình Thiên - quyền viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng nên tránh tâm lý “say sưa” khi VN đã bước đầu kìm được lạm phát. “Ngay cả khi đã thành công trong việc này, VN mới cắt được triệu chứng, còn những nguyên nhân cốt lõi như đầu tư kém hiệu quả, tham nhũng, thủ tục phiền hà chưa được giải quyết” - ông Thiên phân tích.

" Nếu giảm được 40% thủ tục hành chính, VN có thể tiết kiệm được 13.000 tỉ đồng /năm. "

Theo TS Trần Hữu Huỳnh

Về kích cầu, bài học khủng hoảng 1997-1998 cho thấy sau khi kích cầu, hiệu quả rất hạn chế trong khi tiêu cực gia tăng. Kích cầu nếu để chảy vào các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Thiên, sẽ không mấy tác dụng. VN không nên quá trông đợi vào số vốn FDI đăng ký vì có thể các nhà đầu tư chỉ khai thác những lợi ích tức thì, không giúp gì nhiều cho VN.

Ông Võ Đại Lược cho rằng VN nên tính tới “kinh doanh khủng hoảng”. Các tập đoàn lớn của thế giới sa thải hàng vạn nhân công, Trung Quốc đang tận dụng thu hút. Lãi suất thế giới sẽ giảm, Mỹ 1%, Nhật có thể 0%, họ vay cho dự án có hiệu quả. Giá nguyên liệu giảm tạo điều kiện cho ngành thâm dụng nguyên liệu phát triển… Theo ông Lược, VN có thể tận dụng kinh nghiệm này.

Để chống lại nguy cơ suy giảm kinh tế, ông Vũ Duy Thái cho rằng phải tìm cách hạ tiếp lãi suất cho vay xuống 10-12%/năm. Nếu khó khăn bên ngoài không thể định liệu được, theo ông Thái, nhân dịp này VN cần kiên quyết dẹp những khó khăn “tự bản thân ta gây cho ta”, đó là thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính…

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, để môi trường kinh doanh năm 2009 tốt hơn như một giải pháp hữu hiệu bậc nhất chống suy thoái kinh tế, Chính phủ cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

CẦM VĂN KÌNH

Không có nhận xét nào: