http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200840/20080929004243.aspx
Lo lắng trẻ bị sỏi thận do nhiễm melamine
29/09/2008 0:42
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dễ bị tác động bởi độc chất - Ảnh: T.Tùng
Trong những ngày qua, các bậc phụ huynh rất lo lắng trước thông tin sữa bị nhiễm melamine gây sỏi thận ở trẻ. Nhiều người đã gọi đến Báo Thanh Niên để hỏi về những thông tin liên quan.
Triệu chứng trẻ bị sỏi thận
“Loại sữa con tôi đang dùng có bị nhiễm melamine hay không?”, “Những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ bị nhiễm melamine, trẻ bị sỏi thận?”, đó là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh.
Về vấn đề này, PGS-TS Vũ Lê Chuyên – Trưởng khối Niệu (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM) nói: “Nếu không được bú sữa mẹ mà hoàn toàn phụ thuộc vào sữa ngoài, nhưng không may sữa ngoài có nhiễm melamine thì trẻ nhỏ rất dễ bị tác hại bởi chất này, nhất là trẻ còn bú chưa đến tuổi ăn dặm. Trẻ lớn, người lớn thì cơ thể dễ đào thải hơn nếu có dùng phải thực phẩm bị nhiễm melamine hay hóa chất khác”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) khuyến cáo, nếu trẻ uống nhiều sữa nhưng không lên cân, chậm lớn thì cần đưa trẻ đi kiểm tra sớm. Về lâu dài, ở trẻ bị sỏi thận có những triệu chứng điển hình: trẻ tiểu gắt; mỗi khi tiểu trẻ quặn người, khóc vì đau do sỏi gây ra. PGS-TS Vũ Lê Chuyên cho biết thêm: “Nếu trẻ bị sỏi thận do nhiễm melamine thì cũng có những triệu chứng, biểu hiện giống như các trường hợp sỏi thận khác, đó là: đau, tiểu ra máu, vô niệu (không có nước tiểu) và suy thận. Việc điều trị cũng giống như các trường hợp sỏi thận do những nguyên nhân khác. Ở TP.HCM, nơi điều trị sỏi thận cho trẻ gồm: Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhi đồng 1, khoa Tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy...”.
YiLi – loại sữa Trung Quốc đầu tiên bị phát hiện nhiễm melamine tại VN
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Trần Ngọc Sinh (Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) nói: “Do trẻ quá nhỏ, không diễn tả được bằng lời khi có bệnh, vì thế người lớn cần để ý những triệu chứng như: trẻ khóc, không tiểu được... thì cần đưa đi bác sĩ sớm; trẻ bị sỏi thận thì rất dễ bị tử vong bởi vô niệu. Nên cho trẻ uống nhiều nước để phần nào giúp tống sỏi ra ngoài cơ thể.
Theo một chuyên gia hóa học thuộc Bộ Công nghiệp, melamine dùng phổ biến trong ngành công nghiệp nhựa. Đây là chất có khả năng kết tủa, không tan trong nước.
Hiếm gặp ở trẻ nhỏ
Trong cuộc họp báo cuối tuần qua do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN tổ chức, bà Marjatta Tolvanen - Ojutkangas, Trưởng chương trình y tế - dinh dưỡng của UNICEF tại VN, nhấn mạnh: “Qua sự việc đáng tiếc này (sữa nhiễm melamine - PV), một lần nữa chúng ta cần nhận thức nghiêm túc hơn về nuôi con bằng sữa mẹ, càng tuân thủ việc trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng quý giá, mà còn có thể giúp trẻ phòng tránh bệnh. Không chỉ nhiễm hóa chất trong trường hợp nhà sản xuất gian dối; mà ngay với sản phẩm thông thường, sữa còn có thể nhiễm vi khuẩn gây bệnh, nấm mốc trong quá trình bảo quản và pha sữa không đảm bảo”.
Bác sĩ Lê Tấn Sơn – Trưởng bộ môn Ngoại nhi, Đại học Y Dược, TP.HCM – phụ trách chuyên khoa Niệu sinh dục Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết: “Sỏi thận ở trẻ em là bệnh rất hiếm gặp, đặc biệt ở trẻ còn bú gần như không gặp. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, rất hiếm khi tiếp nhận bệnh lý này ở trẻ nhỏ. Có khi cả năm không gặp trường hợp nào”.
“Trong số khoảng 10 ngàn bệnh nhân sỏi thận vào chữa trị tại Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM mỗi năm, chỉ có vài ca bệnh là trẻ nhỏ” – PGS-TS Vũ Lê Chuyên thông tin thêm.
Chúng tôi cũng đã liên hệ với Bệnh viện Xanh-Pôn (Hà Nội), và thông tin từ khoa Tiết niệu của bệnh viện này cho biết, sỏi thận - tiết niệu hầu như chưa được ghi nhận ở trẻ nhỏ trong thời gian gần đây. Một bác sĩ của bệnh viện này cho biết: “Lâu nay, sạn, sỏi đường tiết niệu rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Trước tình trạng sữa nhiễm melamine, các bậc cha mẹ cần theo dõi con em mình chặt chẽ. Để phòng bệnh, cần cho trẻ uống đủ nước, dinh dưỡng hợp lý và sử dụng các sản phẩm sữa, thực phẩm chế biến từ sữa có nguồn gốc rõ ràng, an toàn”. Một chuyên gia về thận tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng nói với chúng tôi: “Hình thành sỏi thận có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, ăn quá nhiều thực phẩm giàu can-xi, uống quá ít nước được coi là nguy cơ phổ thông nhất... Tuy nhiên, việc hình thành sỏi, sạn thận phải qua một quá trình, thời gian dài. Đó chính là lý do bệnh rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh tuổi bú mẹ”.
Thanh Tùng – Liên Châu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét