Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Xuất khẩu lao động gặp khó

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=291161&ChannelID=269


Thứ Sáu, 05/12/2008, 08:02 (GMT+7)

Xuất khẩu lao động gặp khó

* Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: 80% lao động xuất khẩu VN vi phạm luật pháp, hợp đồng.

TT - Trước ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu lao động bị cắt giảm nhân công. Trong đó có nhiều thị trường lao động thiếu việc làm vì doanh nghiệp phá sản, một số thị trường khác thì cắt giảm lao động và đi đến ngưng tiếp nhận hoàn toàn lao động VN.

Lao động VN cùng công nhân nước ngoài trên công trường xây dựng tại Qatar -Ảnh: H.V.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết thị trường Qatar đã ngưng việc cấp mới visa cho lao động VN, đồng thời sẽ không gia hạn hợp đồng lao động cho hàng ngàn lao động đang làm việc ở Qatar.

Ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc Công ty Airserco, cho biết thực tế việc ngưng cấp visa cho lao động VN vào Qatar đã có từ sáu tháng trước nhưng đến thời điểm này phía Qatar mới có thông báo chính thức.

Trưởng phòng một doanh nghiệp khác cho hay việc ngưng cấp visa mới cho lao động và không gia hạn cho các lao động đang làm việc tại Qatar do hai nguyên nhân: Thứ nhất, các công trường xây dựng do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế nên thiếu vốn hoạt động và phải cắt giảm nhân công. Thứ hai, do tình hình phức tạp của lao động VN tại Qatar (như trộm cắp, quậy phá, uống rượu...) nên phía bạn ngưng cấp mới visa và không gia hạn hợp đồng cho lao động. Theo vị trưởng phòng này, nhiều doanh nghiệp sắp tới phải đón hàng ngàn lao động từ Qatar về nước khi không được gia hạn thêm hợp đồng.

Tại Đài Loan, ảnh hưởng suy thoái kinh tế cũng làm hàng trăm doanh nghiệp ngưng trệ hoạt động hoặc phá sản khiến nhiều lao động VN đang làm việc ở đây có nguy cơ mất việc, thiếu việc làm.

Theo ông Nguyễn Bá Hải - trưởng Ban quản lý lao động VN tại Đài Loan, do khó khăn chung của các doanh nghiệp, thời gian qua nhiều lao động bị mất giờ làm thêm, thậm chí không đủ việc làm tám giờ/ngày. “Trước tình hình đó chúng tôi đã đề nghị Cục Lao công (Đài Loan) chuyển lao động sang những nơi có đủ việc làm, hạn chế tối đa việc đưa lao động về nước. Đồng thời chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp nên hạn chế đưa lao động qua trong thời điểm này. Nếu có đơn hàng cần thẩm định thận trọng, chọn những công ty có việc làm ổn định đưa lao động qua để tránh thiệt hại cho người lao động”.

Riêng thị trường Czech, trong tháng mười một vừa qua, đại sứ quán nước này tại VN đã ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân VN khiến hàng chục ngàn lao động đang làm thủ tục qua Czech lao động phải lao đao. Giám đốc một công ty xuất khẩu lao động tiết lộ hàng chục doanh nghiệp đã lỡ thu tiền lao động để đóng “phí bôi trơn” làm visa nhưng nay không thể thu hồi được số tiền này và thiệt thòi có thể người lao động gánh hết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Công Hải - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết trong tình hình hiện nay Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp cần hạn chế đưa lao động ồ ạt qua những thị trường đang bị ảnh hưởng nặng từ suy thoái kinh tế. Nếu có các đơn hàng cần thẩm định kỹ càng hơn, thận trọng hơn, nhất là nguy cơ ngưng trệ hoạt động hoặc phá sản của các doanh nghiệp phía bạn để tránh thiệt hại cho người lao động.

HỒ VĂN

80% lao động xuất khẩu VN vi phạm luật pháp, hợp đồng

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh & xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân về vấn đề xuất khẩu lao động của VN tại phiên họp ngoại giao kinh tế ngày 4-12.

Nổi cộm trong thời gian gần đây là tình hình lao động xuất khẩu của VN đã được bộ trưởng và các đại biểu tập trung bàn luận. Số lượng lao động xuất khẩu ngày càng tăng. Tuy nhiên, lao động VN tại nước ngoài có nhiều vấn đề cần giải quyết để phá bỏ sự dè dặt của các quốc gia khi tiếp nhận lao động VN.

Tình trạng thiếu kỷ luật của các lao động VN gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội nên Qatar đã ngừng gia hạn visa cho lao động VN, trong khi hai bên đã có thỏa thuận đưa 200.000 lao động trong năm 2008 và năm 2010 tiếp 100.000 lao động. Theo bộ trưởng, lao động VN vi phạm quy định, hợp đồng nhiều nhất. Có tới 80% người lao động VN vi phạm luật pháp, quy định hợp đồng.

Bộ trưởng Kim Ngân nhấn mạnh: “Điều quan trọng khi đưa lao động đi xuất khẩu là giáo dục định hướng cho người lao động. Hiện nay thị trường lao động nước ngoài cần tay nghề cao, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật thì cả ba yếu tố đó người lao động VN đều không có. Một gia đình ở Qatar có 3-4 lao động nước ngoài, nhưng chỉ có lao động VN vi phạm”. Có nhiều trường hợp lao động tại các nước Hồi giáo, thanh niên lao động VN lại thường xuyên uống rượu, trong khi luật Hồi giáo cấm uống rượu. Chính điều này gây hình ảnh không tốt của người VN ở nước ngoài.

Theo bộ trưởng, sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ hình thành ba trung tâm đào tạo lao động và có hợp tác quốc tế để cấp chứng chỉ, thậm chí là nơi tiếp nhận lao động luôn. Kế hoạch xuất khẩu lao động từ nay đến năm 2020 sẽ có 70-80% lao động qua đào tạo cấp chứng chỉ.

LƯU TÚ ANH

Không có nhận xét nào: