

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=294548&ChannelID=11
Thứ Sáu, 26/12/2008, 08:08 (GMT+7)
Cơ hội lớn cho hàng Việt vào Nhật
Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone (trái), Bộ trưởng Thương mại và kinh tế Nhật Bản Toshihiro Nikai (phải) và Bộ trưởng Bộ Công thương VN Vũ Huy Hoàng (giữa) tại lễ ký hiệp định - Ảnh: AFP/TTXVN
TT - Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (VJEPA) đã chính thức được ký kết. Rất nhiều mặt hàng VN vào Nhật thuế suất đã được giảm còn 0%, thị trường Nhật đang rộng mở cho hàng Việt.
Ông TRẦN QUỐC KHÁNH, vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương (phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ), cho biết:
- Trên phương diện kinh tế, cùng với những thỏa thuận về thương mại và đầu tư trước đó, Hiệp định VJEPA sẽ góp phần tạo nên một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, ổn định, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại - đầu tư của doanh nghiệp hai bên.
Trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới, việc ký kết Hiệp định VJEPA chắc chắn sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
* Nhiều ý kiến cho rằng cơ hội thâm nhập thị trường Nhật sẽ rất lớn đối với hàng nông thủy sản VN, bởi nhóm mặt hàng này phía Nhật sẽ mở đến 86% cho VN, cụ thể như thế nào?
- Mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản xuất khẩu là một trong các lợi ích lớn nhất mà VN thu được từ Hiệp định VJEPA. Theo hiệp định, Nhật Bản sẽ giảm thuế về 0% cho 86% giá trị xuất khẩu nông sản từ VN sang Nhật Bản, trong đó 70% sẽ được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là mức mở cửa thị trường cao nhất mà Nhật Bản cam kết với một nước ASEAN.
Trong số 30 mặt hàng nông sản mà VN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Nhật Bản, 23 mặt hàng sẽ được hưởng mức thuế 0% trong vòng tối đa 10 năm. Nhiều mặt hàng ta có thế mạnh như tôm, cua, mật ong, sầu riêng, vải... sẽ được Nhật Bản giảm thuế nhiều hơn so với các nước ASEAN khác.
Sắp tới vải thiều sẽ được xuất khẩu sang Nhật - Ảnh: N.C.T.
* Mặc dù thuế giảm nhưng để đưa được hàng nông thủy sản vào Nhật sẽ không đơn giản chút nào do phía bạn luôn đặt ra các rào cản kỹ thuật rất khắt khe. Hai nước có thỏa thuận nào để hàng VN có thể vào Nhật dễ dàng hơn?
- Các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Nhật Bản được áp dụng chung cho hàng hóa của mọi quốc gia, không riêng gì hàng hóa của ta. Nhận thức rõ yêu cầu của thị trường, lưu ý tới thực trạng hàng hóa của ta, bên cạnh các cam kết về cắt giảm thuế, ta và Nhật Bản đã thảo luận các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cho VN trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm (SPS).
Hiệp định có hẳn một chương riêng về hợp tác SPS, theo đó Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN thành lập một trung tâm SPS để nâng cao năng lực kiểm định, kiểm dịch cho VN. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết sẽ tiếp tục thảo luận về việc hai bên từng bước công nhận tiêu chuẩn của nhau, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại nông sản giữa hai nước.
* Được biết mặt hàng gạo không được đưa vào đàm phán trong hiệp định nên mức thuế và các hàng rào kỹ thuật vẫn không thay đổi, vì sao vậy?
- Không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước đã ký EPA với mình, Nhật Bản chưa bao giờ cam kết giảm thuế cho mặt hàng gạo. Nói chung, mỗi quốc gia đều có những lĩnh vực nhạy cảm riêng, ta cũng vậy mà bạn cũng vậy. Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp VN vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này theo các điều kiện thương mại thông thường.
Bộ trưởng Bộ Công thương VN Vũ Huy Hoàng (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone trao đổi văn kiện sau khi ký Hiệp định đối tác kinh tế giữa hai nước - Ảnh: TTXVN
* Nội dung hiệp định có đề cập vấn đề di chuyển thể nhân, trong đó phía Nhật chỉ chấp nhận lao động VN ở một phạm vi hẹp, với nhiều điều kiện khó như: với nghề y tá, lao động VN phải có chứng chỉ quốc gia về y tá của Nhật Bản thì mới được làm việc và hưởng lương như người bản địa. Điều này hoàn toàn ngược lại với Philippines, thưa ông?
- Phía Nhật hiểu nhu cầu của VN trong việc đưa y tá và điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc lâu dài. Tuy nhiên, do điều kiện của ta có khác so với một số nước ASEAN khác (chưa có tiêu chuẩn quốc gia và hệ thống cấp chứng chỉ quốc gia về hành nghề y tá, chưa có truyền thống cử y tá sang làm việc tại các nước phát triển) nên cách tiếp cận của hiệp định này cũng khác.
Cụ thể, Nhật Bản cam kết dành cho ta một khoản ODA để đào tạo mỗi năm 200-300 y tá tại Nhật Bản. Sau khi có chứng chỉ, họ có thể ở lại Nhật làm việc tới bảy năm. Cùng với đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ ta xây dựng hệ thống kiểm định và cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có cả nghề y tá. Nhật cũng đồng ý trong vòng một năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, sẽ nối lại đàm phán về di chuyển thể nhân với VN để cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, điều dưỡng viên và các ngành nghề khác.
Xét về dài hạn, đây là cách tiếp cận có lợi. Trong thời gian chờ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và cấp chứng chỉ hành nghề, ta vẫn có thể cử người sang Nhật học nghề và sau đó là hành nghề. Cơ chế này còn giúp ta có được một lực lượng lao động chất lượng cao, có thể làm việc tại nhiều nước phát triển khác chứ không riêng Nhật Bản.
"Nhật Bản cam kết dành cho ta một khoản ODA để đào tạo mỗi năm 200-300 y tá tại Nhật Bản"
* VN đang xuất siêu sang Nhật, nhưng có ý kiến cho rằng cán cân này sẽ ngược lại khi hiệp định được thực thi do chúng ta đã “mở cửa” quá rộng, đưa ra quá nhiều thuế suất 0% cho hàng công nghiệp của Nhật Bản. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đàm phán là có đi, có lại. Ta muốn mở cửa thị trường của người khác thì cũng phải cân nhắc mở cửa thị trường của mình, miễn sao thu được kết quả đàm phán cân bằng, chấp nhận được cho cả hai bên. Nguyên tắc cơ bản trong đàm phán thuế công nghiệp với Nhật Bản là đưa ra lộ trình giảm thuế dài hơn cho những ngành mà ta đã có sản xuất hoặc có khả năng sản xuất trong tương lai gần, tạo điều kiện cho những ngành này có thêm thời gian nâng cao sức cạnh tranh trước khi mở cửa hoàn toàn. Một số lĩnh vực quá nhạy cảm thì giữ nguyên thuế, hoặc nếu có giảm chỉ giảm một phần. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến tác động có lợi từ việc giảm thuế cho những sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản mà doanh nghiệp của ta thật sự cần. Theo tôi, kết quả đàm phán cuối cùng là khá cân bằng và có lợi cho cả hai bên.
Sầu riêng VN sẽ được Nhật Bản giảm thuế - Ảnh: Thanh Đạm
* So với cam kết song phương trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO với Nhật Bản, ông đánh giá thế nào về “biên độ” mở cửa của VN trong lĩnh vực hàng hóa cũng như dịch vụ?
- Về hàng hóa, biên độ mở trong Hiệp định VJEPA là lớn hơn so với cam kết khi gia nhập WTO. Điều đó cũng đúng thôi vì VJEPA là hiệp định thương mại tự do, về nguyên tắc phải có độ mở lớn hơn WTO, cả với ta và Nhật Bản. Bạn cũng phải mở cửa hơn so với những gì mà bạn đã cam kết với WTO chứ không riêng gì ta.
Về dịch vụ, cam kết của ta cơ bản giống với cam kết khi gia nhập WTO. Ngược lại, Nhật Bản dành cho ta cam kết cao hơn rất nhiều so với cam kết mà Nhật đã đưa ra tại WTO. Về lâu dài, khi các nhà cung cấp dịch vụ của VN đã lớn mạnh, họ sẽ thu được nhiều lợi ích từ những cam kết này.
VN đang xuất siêu sang Nhật
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của VN - Nhật Bản đã đạt 14,2 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu 7,2 tỉ, nhập khẩu 7 tỉ USD, xuất siêu 200 triệu USD. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư có số vốn FDI thực hiện lớn nhất trong 10 tháng năm 2008 với 5,1 tỉ USD dù chỉ đứng thứ ba về vốn FDI cam kết sau Đài Loan, Malaysia.
C.V.K.
* Theo ông, các doanh nghiệp VN cần phải chuẩn bị như thế nào để khai thác tốt thị trường Nhật?
- Nhà nước đàm phán các hiệp định để khai phá thị trường. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ vẫn thuộc về doanh nghiệp. Tôi rất hi vọng các doanh nghiệp của ta sẽ khai thác được các cơ hội do Hiệp định VJEPA mang lại. Với việc Nhật xóa bỏ hàng rào thuế, họ sẽ có cơ hội để cạnh tranh về giá với các đối thủ khác trên thị trường Nhật.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào giá, lợi thế cạnh tranh sẽ không bền. Điều cốt lõi vẫn phải là nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, những yếu tố bảo đảm thành công ổn định, lâu dài. Hiệp định là nấc thang đưa bạn lên một vị trí mới thuận lợi hơn, nhưng có trụ lại được ở vị trí đó và phát triển tiếp hay không lại phụ thuộc nhiều vào chính bạn.
Về phía mình, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để phổ biến rộng rãi nội dung của hiệp định, giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn, từ đó tận dụng được các cơ hội mà hiệp định đem lại.
* Cảm ơn ông.
XUÂN TOÀN thực hiện
Ký kết hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật
Sau gần ba tháng kết thúc thỏa thuận nguyên tắc về Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (EPA), ngày 25-12, lễ ký EPA đã diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản). Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, tham gia lễ ký có Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone.
Ngày 25-12, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản là ông Yasuhisa Kawamura cho hay theo EPA, trong 10 năm tới 92% kim ngạch thương mại hai chiều sẽ được miễn thuế. Nhật sẽ giảm thuế cho 95% hàng hóa xuất khẩu của VN và VN giảm cho 88% hàng Nhật.
Bộ Công thương dự kiến phối hợp với các bộ, ngành để phổ biến hiệp định tới các doanh nghiệp, vì theo bộ trưởng Hoàng, lời văn của hiệp định này khá ngắn nhưng các bản phụ lục, bảng biểu đi theo rất nhiều, nhất là các mã thuế, mã hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp VN cần tìm hiểu kỹ quy định của Nhật liên quan đến xuất nhập khẩu để hàng hóa không bị trả lại và chủ động nghiên cứu thị trường Nhật.
HƯƠNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét