Thứ Ba, 2 tháng 12, 2008

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không yêu cầu chứng thực văn bằng

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=290605&ChannelID=6


Thứ Ba, 02/12/2008, 07:46 (GMT+7)

“Bệnh” đòi bản sao chứng thực: Cần thêm “thuốc” trị

Người dân đến chứng thực giấy tờ về hộ tịch tại UBND phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

TT - Có nhiều giấy tờ quan trọng theo chúng ta suốt cả đời người: khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng cấp, giấy tờ nhà đất... Mất bản chính những giấy tờ này gây ra nhiều phiền toái và hậu quả nhiều khi không hình dung nổi. Do vậy, không ít người thấy cần sao ra nhiều bản từ bản chính để dùng dần.

Còn về phía nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, mỗi khi giải quyết những thủ tục hành chính cho ai (kể cả cơ quan, tổ chức khác) cũng đòi hỏi phải nộp giấy tờ, mà “nhất định phải là bản sao có chứng thực”.

Việc đòi hỏi này hầu như ai cũng hiểu phần nhiều do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó lười (đối chiếu bản sao với bản chính), né trách nhiệm, nếu có khiếu nại, tố cáo xung quanh chuyện bản sao, bản chính. Trong nhiều trường hợp việc yêu cầu chứng thực là vô lý, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc cho cả xã hội. Vấn đề ở chỗ ai cũng thấy vô lý nhưng ai cũng thực hiện bởi từ lâu điều đó đã thành “bệnh”.

Thủ tướng từng cho “thuốc”

Trước sự kêu ca của nhiều người, báo chí phản ánh không mệt mỏi trong nhiều năm và qua khảo sát thực tiễn, ngày 5-3-2001 Thủ tướng đã quyết định dùng một “liều thuốc” mạnh để trị căn bệnh nói trên bằng việc ban hành chỉ thị 01/2001/CT-TTg.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: “Riêng việc sao y giấy tờ, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - thương binh & xã hội và Ban tổ chức - cán bộ chính phủ tiến hành rà soát để hủy bỏ các quy định bắt buộc người dân phải nộp bản sao giấy tờ do phòng công chứng chứng nhận trong hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng, bổ nhiệm, tuyển lao động, giải quyết chính sách...;Bộ GD-ĐT có trách nhiệm hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước về việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác từ sổ gốc, không dồn công việc cho cơ quan công chứng, chứng thực. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ xét thấy cần bản chính để đối chiếu thì phải tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính”.

Qua thực tiễn, dù có những lúc căn bệnh “phát cơn” mạnh mẽ, dồn dập ở nhiều nơi, nhiều người nhưng “thuốc” đã cho thấy có tác dụng... Người viết thấy rõ nhất là ở nhiều tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, sở tư pháp, phòng tư pháp tại TP.HCM..., hầu như cán bộ không còn buộc người dân phải nộp bản sao có chứng thực nữa, mà sẵn sàng tiếp nhận bản sao không có chứng thực sau khi đã đối chiếu bản chính. Tuy nhiên, cho đến nay một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền vẫn mắc phải căn bệnh trên hoặc để “bệnh” tái phát.

Họ viện lý do không có con mắt của người giám định chuyên nghiệp, làm sao biết bản chính đó là thật hay giả mà đối chiếu, kiểm tra? Chẳng may đối chiếu với bản chính được làm giả tinh vi, tinh xảo, làm sao loại trừ được trách nhiệm cho người đối chiếu? Mặt khác, chỉ thị 01 là để triển khai nghị định 75, trong khi đó vấn đề công chứng, chứng thực đã được thay thế bởi Luật công chứng có hiệu lực ngày 1-7-2007 và nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 thì liệu “thuốc” có còn hạn sử dụng?

Cần cho “toa” mới

“Bệnh” chưa dứt hẳn, trong khi đó lệ phí công chứng, chứng thực - trong đó có chứng thực bản sao - tăng cao. Lãng phí sẽ càng lãng phí hơn. Điều đáng nói hơn nữa là đất nước ta đang trên bước đường xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội mà người dân được hành xử theo những gì pháp luật không cấm, nhưng cũng phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành xử và cam kết của mình. Không lý gì Nhà nước lại đi “giành” trách nhiệm thay người dân trong chuyện khai báo, đối chiếu giấy tờ.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần cho thêm “toa thuốc” mới để trị dứt điểm căn bệnh trên. Đó là cần có những văn bản xác định rõ ràng những giấy tờ thuộc loại, nhóm, dạng nào nhất thiết phải có bản sao chứng thực. Ngoài những trường hợp đó, cần ra văn bản mới, tương tự chỉ thị 01, nghiêm cấm việc buộc người dân phải nộp bản sao giấy tờ có chứng thực, trừ trường hợp người nộp tự nguyện.

Việc vi phạm các quy định về hộ tịch, công chứng, thi hành án... đều bị xử phạt hành chính theo pháp luật hiện hành. Vậy với việc buộc người dân phải nộp bản sao có chứng thực, gây lãng phí và gây ra “bệnh tật” cho xã hội thì theo chúng tôi, cũng cần phải có quy định để xử phạt hành chính.

Đâu cần chứng thực hồ sơ!

Chúng ta hơi rườm rà và lãng phí về yêu cầu chứng thực giấy tờ. Chẳng hạn hồ sơ xin việc làm, tất cả các loại giấy tờ đều phải được chứng thực nhưng chỉ có một số ít người được gọi đi phỏng vấn và chỉ vài ba người thật sự được nhận vào làm. Vậy hàng trăm bộ hồ sơ bỏ tiền ra chứng thực sẽ vứt vào sọt rác.

Tại sao chúng ta không chấp nhận hồ sơ không cần chứng thực, khi nào chọn được người mới yêu cầu chứng thực hồ sơ sau? Nếu người nào bị phát hiện dùng văn bằng, giấy tờ giả sẽ bị cơ quan tuyển dụng kiện đòi bồi thường thiệt hại, người sử dụng giấy tờ giả sẽ bị xử lý theo luật pháp. Như thế vừa tiết kiệm được lệ phí, vừa tiết kiệm thời gian cho cả người làm chứng thực và người đi chứng.

Còn nhớ ngày vừa tốt nghiệp đại học, tôi đã phải tốn một số tiền rất lớn - so với một người chưa có việc làm - để công chứng vài chục bộ hồ sơ xin việc. Nghĩ lại thấy sợ, dậy từ sáng sớm ra phòng công chứng nhà nước ngồi chờ mà phải đến chiều tối mới xong, còn những ai không đi sớm thì không làm xong trong ngày là cái chắc. Ngay cả khi đi làm rồi, mỗi khi cần chứng thực chứng minh nhân dân hay hộ khẩu để xin gắn điện thoại, đồng hồ điện, nước... tôi đều phải cầu cứu em họ nghỉ học đi chứng giùm, vì tôi đâu có thể nghỉ làm đi chứng thực được.

Hiện nay sống ở Thái Lan tôi mới thấy quy định về bản sao giấy tờ của họ rất đơn giản. Tất cả các loại bản sao hồ sơ giấy tờ chỉ cần chữ ký của người chủ giấy tờ với dòng chữ “sao y bản chính”. Khi nộp hồ sơ bản photo, người dân chỉ cần đem theo cả bản chính để đối chiếu. Việc kiểm tra xem bản photo có giống bản chính không là nhiệm vụ của người nhận hồ sơ. Ngay cả hồ sơ xin gia hạn visa của tôi bao gồm nhiều loại giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, giấy đăng ký kết hôn... tôi cũng chỉ cần ghi dòng chữ “sao y bản chính” rồi ký tên vào bản photo. Nhân viên phòng di trú sẽ đối chiếu.

Trong những trường hợp cần xác minh tính trung thực của hồ sơ, chẳng hạn như hồ sơ xin nhập quốc tịch Thái Lan, người ta vẫn nhận bản photo với chữ ký như thế rồi gửi bản sao đó đến nơi phát hành bản chính để xác thực. Thế là đất nước Thái không cần phải tốn một số người lao động để làm công việc chứng thực và một số lớn người dân không phải tốn thời gian để ngồi chờ chứng thực các loại hồ sơ... Và trên hết, người dân Thái không bị ám ảnh bởi việc “tôi đi chứng thực giấy tờ”.

DUONG (vtthuyduong@)

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM - NGUYỄN THỊ HUỲNH GIAO

.......................

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không yêu cầu chứng thực văn bằng

TT - Phó phòng nhân sự một tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) cho biết văn bằng, chứng chỉ đã được chứng thực là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bộ hồ sơ xin vào làm tại doanh nghiệp này. Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực xây dựng ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng việc phải nộp toàn bộ văn bằng, chứng chỉ có chứng thực là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực của ứng viên. Nếu không có đầy đủ thì ứng viên đó sẽ bị loại ngay từ đầu.

Ông Huỳnh Văn Thôi - tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Thiên Phúc, đơn vị chủ quản trang web tuyển dụng onlinejobs.vn - nhận định: “Trong khi đối với hầu hết doanh nghiệp nhà nước, văn bằng, chứng chỉ có chứng thực được coi là một yếu tố bắt buộc trong bộ hồ sơ xin việc thì đối với các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, đó không phải là yếu tố quan trọng nhất”.

Bà Nguyễn Thị Nhàn Khanh, trưởng phòng tuyển dụng Công ty Nestlé Vietnam, cho biết: “Bộ hồ sơ xin việc vào Nestlé ban đầu chỉ cần có đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, bản tóm tắt quá trình công tác. Sau khi phỏng vấn, chúng tôi yêu cầu ứng viên trình các bằng cấp, chứng chỉ bản chính để đối chiếu. Chỉ sau khi chính thức được nhận vào làm việc chúng tôi mới yêu cầu ứng viên nộp các loại văn bằng, chứng chỉ có chứng thực. Cách làm này sẽ đỡ gây phiền phức cho các ứng viên. Vả lại, quan điểm của chúng tôi là tuyển nhân viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp vị trí công tác. Việc nộp văn bằng, chứng chỉ chứng thực chủ yếu mang tính thủ tục”.

Ông Thôi cho biết nhiều doanh nghiệp khác còn “thoáng” hơn, khi trải qua phỏng vấn thấy ứng viên có đủ năng lực đảm nhiệm công việc, thực hiện đối chiếu bản chính văn bằng, chứng chỉ, thì sau đó ứng viên không cần phải nộp bản photo chứng thực.

Các chuyên gia tuyển dụng ở vietnamworks.com cũng đồng quan điểm khi cho rằng xét về góc độ nào đó thì bằng cấp không quan trọng bằng năng lực mà ứng viên chứng tỏ trong thực tế công việc. Chưa kể việc nhiều ứng viên có đầy đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ nhưng vẫn phải đào tạo lại mới sử dụng được. Vì thế, nếu nhà tuyển dụng quá câu nệ vào vấn đề bằng cấp có thể sẽ bị “đánh lừa”, chỉ tuyển được những người có bằng cấp nhưng chưa chắc đã làm được việc. Còn nếu muốn kiểm tra sự trung thực của ứng viên chỉ cần đối chiếu với bản chính văn bằng, chứng chỉ là đủ.

Bà Trần Kim Hạnh, giám đốc nhân sự Tập đoàn ximăng Lafarge (Pháp), chia sẻ: “Chúng tôi có một quy trình phỏng vấn hết sức chặt chẽ, có nhiều kênh để kiểm tra độ xác thực về những thông tin mà các ứng viên cung cấp. Vì thế, không nhất thiết ứng viên phải nộp các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực, bởi chúng tôi coi đó chỉ là yếu tố tham khảo chứ không phải yếu tố mang tính chất quyết định trong khâu tuyển dụng”.

VIỆT HÙNG

Không có nhận xét nào: