Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

Hình ảnh bản thân quyết định cuộc đời

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=288879&ChannelID=7



Hình ảnh bản thân quyết định cuộc đời

TT - Học vẽ xong là đến giờ về, Tí và Tèo cầm hai bức tranh nguệch ngoạc như nhau chờ cha đến đón. Vừa thấy tranh, ba Tí nói ngay: “Ồ! Đẹp quá. Về nhà treo lên cho mọi người xem”. Còn ba Tèo nhăn mặt: “Trời! Vậy mà gọi là tranh, bỏ vô giỏ rác!”.

Một hoạt động ngoài trời của CLB Kỹ năng sống (NVH Sinh viên TP.HCM) - Ảnh: CLB Kỹ năng sống

Chúng ta có thể đoán ngay phản ứng của hai đứa trẻ. Chắc Tí lâng lâng vui sướng và muốn vẽ nữa. Còn Tèo buồn xo, thấy mình “chẳng ra gì”. Biết đâu Tèo có năng khiếu vẽ mà không được nhận ra và thiên tài bị giết chết từ mầm mống.

Hình ảnh về bản thân (self image) là một khái niệm rất quan trọng trong tâm lý học về nhân cách. Bởi một nhân cách lành mạnh và tự tin chỉ có thể phát triển từ một ý thức về giá trị bản thân (self esteem). Và chỉ có được điều đó khi ta có một hình ảnh tích cực về mình.

Người có hình ảnh tích cực về mình sẽ tự tin đi vào đời. Tự tin dẫn tới thành công và sự góp nhặt của tự tin sẽ dẫn tới thành công lớn. Còn người có hình ảnh tiêu cực về bản thân sẽ thiếu tự tin, sẽ đi từ thất bại này đến thất bại kia. Coi thường bản thân, họ dễ có xu hướng hủy hoại mình trong rượu chè, ma túy, tội phạm…

Hình ảnh về bản thân hình thành ở một cá nhân qua tương tác với những người gần gũi như cha mẹ, thầy cô, bạn bè, qua cách họ nói, đánh giá và cư xử với cá nhân đó. Trong giáo dục nhân cách, nhất là đối với con trẻ trong gia đình, khen phải nhiều hơn chê vì trẻ nào cũng dễ thương, cũng thích làm vui lòng cha mẹ và sẽ cố gắng lên nếu được động viên khuyến khích bằng lời khen.

Dĩ nhiên khen phải đúng và công bằng. Còn chê thì nêu đúng sự việc (hôm qua con quên lau nhà, con mở radio quá to...) chứ không xúc phạm nhân cách (mày là con gái hư, đồ vô tích sự...). Có bậc phụ huynh nghĩ rằng chê mới có hiệu quả giáo dục vì con sẽ sửa chữa. Đáng tiếc hơn, họ chê không phải vì lỗi của con mà chính họ có vấn đề; họ bực dọc không làm chủ được cảm xúc nên la rầy để xổ bực. Nhiều cha mẹ vô tình hủy hoại tương lai của con khi dán cho trẻ cái nhãn “vô tích sự”. Trẻ tất nhiên nhập tâm điều người xung quanh nói về mình và mang cái nhãn suốt đời.

Các bậc sinh thành do ít được trang bị các kỹ năng làm cha mẹ nên có không ít “mèo con muốn đi hoang” là vậy. Trong trường hợp này đối tượng cần tư vấn không phải mèo con mà chính là mèo cha và mèo mẹ.

* NVH Sinh viên TP.HCM đang mở các lớp kỹ năng sống: làm chủ cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, quản lý thời gian... CLB Kỹ năng sống thuộc NVH sinh hoạt vào 14g chủ nhật hằng tuần, chuyên đề tuần này là “Kỹ năng giao tiếp”.

T.Bình

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ OANH

Không có nhận xét nào: