Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

Ngành hospitality

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=225105&ChannelID=205


Thứ Sáu, 19/10/2007, 03:03 (GMT+7)

Tư vấn du học

Ngành hospitality

TT - Em nghe nói rất nhiều về ngành học hospitality, xin giải thích rõ về ngành nghề này. Có người nói đó là ngành quản trị khách sạn và du lịch, có người nói dịch như vậy là chưa chính xác. Tương lai về sự phát triển của ngành nghề này?

- Hospitality là ngành học liên quan đến dịch vụ khách hàng. Khi có kiến thức và bằng cấp của một khóa học hospitality, bạn có thể làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến dịch vụ khách hàng. Xin liệt kê những ngành nghề mà các bạn có thể theo đuổi sau khi tốt nghiệp ngành học này:

Dịch vụ khách sạn và nhà hàng; ngành công nghiệp thực phẩm; điều hành và quản lý du lịch; quản lý các câu lạc bộ thể thao và giải trí; báo chí; các ngành dịch vụ; giáo dục (dạy học trong ngành hospitality); các ngành nghề có liên quan đến sức khỏe (các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng); kể cả các ngành nghề không liên quan như ngân hàng, công nghệ... (tại bộ phận dịch vụ khách hàng và tổ chức sự kiện).

Nói tóm lại, nơi nào có bộ phận dịch vụ khách hàng, nơi đó cần đến những nhân viên đã được học và có kiến thức về ngành hospitality.

Quản trị nhà hàng và khách sạn chỉ là một chuyên ngành trong ngành học hospitality (dịch vụ khách hàng).

Như bạn đã thấy, hầu như mọi công ty và mọi tổ chức đều cần đến bộ phận dịch vụ khách hàng nên khi tốt nghiệp ngành học này bạn có cơ hội lựa chọn công việc và chỗ làm rất đa dạng.

Theo thống kê của Hiệp hội Các tổ chức du lịch thế giới, riêng ngành quản trị khách sạn, nhà hàng và du lịch (chưa bao gồm các ngành nghề khác) đã cung cấp 689,2 triệu việc làm trên thế giới (năm 2001) và dự báo sẽ cung cấp 1,56 tỉ việc làm vào năm 2020. Qua đó có thể thấy cơ hội và khả năng phát triển của những ai theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, đây là ngành nghề mà bạn có thể quyết định theo đuổi ở bất kỳ độ tuổi nào trong cuộc đời mình. Đây cũng là một trong những xu hướng đang diễn ra không chỉ ở VN mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới.

NGUYỄN THANH BÌNH
(Công ty Quốc Anh IEC, TP.HCM)

Orion - Hanel sẽ tuyên bố phá sản

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=294552&ChannelID=11

Thứ Sáu, 26/12/2008, 08:37 (GMT+7)

Orion - Hanel sẽ tuyên bố phá sản

TT (Hà Nội) - Orion - Hanel, liên doanh giữa VN và Hàn Quốc chuyên sản xuất đèn hình và phụ kiện cho tivi, máy tính với thời hạn hoạt động 50 năm tính từ 1993, sẽ tuyên bố phá sản vào tháng này sau nhiều năm dẫn đầu ngành sản xuất điện tử của Hà Nội.

Các doanh nghiệp điện tử VN cần rút ra bài học từ vụ phá sản của Orion - Hanel. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến cáo như vậy tại hội thảo tổng kết ngành điện tử - viễn thông sau hai năm VN vào WTO, diễn ra ở Hà Nội ngày 25-12.

Orion - Hanel đã đưa ra quyết định mở rộng hoạt động sản xuất đèn hình màu trong bối cảnh thị trường tivi xuất hiện sự thoái trào của công nghệ này với sự thay thế của dòng LCD và Plasma, cộng với suy thoái kinh tế, khiến khó khăn của Orion - Hanel tăng thêm bội phần và không thể tháo gỡ.

Từ trường hợp Orion - Hanel, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói các doanh nghiệp VN không nên duy trì y hệt chiến lược cũ trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp cần “tự cứu mình, chủ động đối phó tình hình”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng hiện các mặt hàng điện tử VN đang cạnh tranh không cân xứng với hàng Trung Quốc. “Theo tôi biết, Trung Quốc đang tập kết hàng không xuất đi EU và Mỹ được vì suy thoái kinh tế ở các thị trường này. Có thể hàng đó sẽ đổ bộ vào VN. Nếu vậy, thiệt hại sẽ không nhỏ”.

HƯƠNG GIANG

Cơ hội lớn cho hàng Việt vào Nhật



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=294548&ChannelID=11

Thứ Sáu, 26/12/2008, 08:08 (GMT+7)

Cơ hội lớn cho hàng Việt vào Nhật



Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone (trái), Bộ trưởng Thương mại và kinh tế Nhật Bản Toshihiro Nikai (phải) và Bộ trưởng Bộ Công thương VN Vũ Huy Hoàng (giữa) tại lễ ký hiệp định - Ảnh: AFP/TTXVN
TT - Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (VJEPA) đã chính thức được ký kết. Rất nhiều mặt hàng VN vào Nhật thuế suất đã được giảm còn 0%, thị trường Nhật đang rộng mở cho hàng Việt.

Ông TRẦN QUỐC KHÁNH, vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương (phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ), cho biết:

- Trên phương diện kinh tế, cùng với những thỏa thuận về thương mại và đầu tư trước đó, Hiệp định VJEPA sẽ góp phần tạo nên một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, ổn định, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại - đầu tư của doanh nghiệp hai bên.

Trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới, việc ký kết Hiệp định VJEPA chắc chắn sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

* Nhiều ý kiến cho rằng cơ hội thâm nhập thị trường Nhật sẽ rất lớn đối với hàng nông thủy sản VN, bởi nhóm mặt hàng này phía Nhật sẽ mở đến 86% cho VN, cụ thể như thế nào?

- Mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản xuất khẩu là một trong các lợi ích lớn nhất mà VN thu được từ Hiệp định VJEPA. Theo hiệp định, Nhật Bản sẽ giảm thuế về 0% cho 86% giá trị xuất khẩu nông sản từ VN sang Nhật Bản, trong đó 70% sẽ được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là mức mở cửa thị trường cao nhất mà Nhật Bản cam kết với một nước ASEAN.

Trong số 30 mặt hàng nông sản mà VN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Nhật Bản, 23 mặt hàng sẽ được hưởng mức thuế 0% trong vòng tối đa 10 năm. Nhiều mặt hàng ta có thế mạnh như tôm, cua, mật ong, sầu riêng, vải... sẽ được Nhật Bản giảm thuế nhiều hơn so với các nước ASEAN khác.

Sắp tới vải thiều sẽ được xuất khẩu sang Nhật - Ảnh: N.C.T.
* Mặc dù thuế giảm nhưng để đưa được hàng nông thủy sản vào Nhật sẽ không đơn giản chút nào do phía bạn luôn đặt ra các rào cản kỹ thuật rất khắt khe. Hai nước có thỏa thuận nào để hàng VN có thể vào Nhật dễ dàng hơn?

- Các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Nhật Bản được áp dụng chung cho hàng hóa của mọi quốc gia, không riêng gì hàng hóa của ta. Nhận thức rõ yêu cầu của thị trường, lưu ý tới thực trạng hàng hóa của ta, bên cạnh các cam kết về cắt giảm thuế, ta và Nhật Bản đã thảo luận các chương trình hợp tác nhằm nâng cao năng lực cho VN trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm (SPS).

Hiệp định có hẳn một chương riêng về hợp tác SPS, theo đó Nhật Bản sẽ hỗ trợ VN thành lập một trung tâm SPS để nâng cao năng lực kiểm định, kiểm dịch cho VN. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cam kết sẽ tiếp tục thảo luận về việc hai bên từng bước công nhận tiêu chuẩn của nhau, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại nông sản giữa hai nước.

* Được biết mặt hàng gạo không được đưa vào đàm phán trong hiệp định nên mức thuế và các hàng rào kỹ thuật vẫn không thay đổi, vì sao vậy?

- Không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước đã ký EPA với mình, Nhật Bản chưa bao giờ cam kết giảm thuế cho mặt hàng gạo. Nói chung, mỗi quốc gia đều có những lĩnh vực nhạy cảm riêng, ta cũng vậy mà bạn cũng vậy. Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp VN vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này theo các điều kiện thương mại thông thường.

Bộ trưởng Bộ Công thương VN Vũ Huy Hoàng (trái) và Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone trao đổi văn kiện sau khi ký Hiệp định đối tác kinh tế giữa hai nước - Ảnh: TTXVN
* Nội dung hiệp định có đề cập vấn đề di chuyển thể nhân, trong đó phía Nhật chỉ chấp nhận lao động VN ở một phạm vi hẹp, với nhiều điều kiện khó như: với nghề y tá, lao động VN phải có chứng chỉ quốc gia về y tá của Nhật Bản thì mới được làm việc và hưởng lương như người bản địa. Điều này hoàn toàn ngược lại với Philippines, thưa ông?

- Phía Nhật hiểu nhu cầu của VN trong việc đưa y tá và điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc lâu dài. Tuy nhiên, do điều kiện của ta có khác so với một số nước ASEAN khác (chưa có tiêu chuẩn quốc gia và hệ thống cấp chứng chỉ quốc gia về hành nghề y tá, chưa có truyền thống cử y tá sang làm việc tại các nước phát triển) nên cách tiếp cận của hiệp định này cũng khác.

Cụ thể, Nhật Bản cam kết dành cho ta một khoản ODA để đào tạo mỗi năm 200-300 y tá tại Nhật Bản. Sau khi có chứng chỉ, họ có thể ở lại Nhật làm việc tới bảy năm. Cùng với đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ ta xây dựng hệ thống kiểm định và cấp chứng chỉ hành nghề, trong đó có cả nghề y tá. Nhật cũng đồng ý trong vòng một năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, sẽ nối lại đàm phán về di chuyển thể nhân với VN để cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, điều dưỡng viên và các ngành nghề khác.

Xét về dài hạn, đây là cách tiếp cận có lợi. Trong thời gian chờ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và cấp chứng chỉ hành nghề, ta vẫn có thể cử người sang Nhật học nghề và sau đó là hành nghề. Cơ chế này còn giúp ta có được một lực lượng lao động chất lượng cao, có thể làm việc tại nhiều nước phát triển khác chứ không riêng Nhật Bản.

"Nhật Bản cam kết dành cho ta một khoản ODA để đào tạo mỗi năm 200-300 y tá tại Nhật Bản"
* VN đang xuất siêu sang Nhật, nhưng có ý kiến cho rằng cán cân này sẽ ngược lại khi hiệp định được thực thi do chúng ta đã “mở cửa” quá rộng, đưa ra quá nhiều thuế suất 0% cho hàng công nghiệp của Nhật Bản. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đàm phán là có đi, có lại. Ta muốn mở cửa thị trường của người khác thì cũng phải cân nhắc mở cửa thị trường của mình, miễn sao thu được kết quả đàm phán cân bằng, chấp nhận được cho cả hai bên. Nguyên tắc cơ bản trong đàm phán thuế công nghiệp với Nhật Bản là đưa ra lộ trình giảm thuế dài hơn cho những ngành mà ta đã có sản xuất hoặc có khả năng sản xuất trong tương lai gần, tạo điều kiện cho những ngành này có thêm thời gian nâng cao sức cạnh tranh trước khi mở cửa hoàn toàn. Một số lĩnh vực quá nhạy cảm thì giữ nguyên thuế, hoặc nếu có giảm chỉ giảm một phần. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến tác động có lợi từ việc giảm thuế cho những sản phẩm công nghiệp của Nhật Bản mà doanh nghiệp của ta thật sự cần. Theo tôi, kết quả đàm phán cuối cùng là khá cân bằng và có lợi cho cả hai bên.

Sầu riêng VN sẽ được Nhật Bản giảm thuế - Ảnh: Thanh Đạm
* So với cam kết song phương trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO với Nhật Bản, ông đánh giá thế nào về “biên độ” mở cửa của VN trong lĩnh vực hàng hóa cũng như dịch vụ?

- Về hàng hóa, biên độ mở trong Hiệp định VJEPA là lớn hơn so với cam kết khi gia nhập WTO. Điều đó cũng đúng thôi vì VJEPA là hiệp định thương mại tự do, về nguyên tắc phải có độ mở lớn hơn WTO, cả với ta và Nhật Bản. Bạn cũng phải mở cửa hơn so với những gì mà bạn đã cam kết với WTO chứ không riêng gì ta.

Về dịch vụ, cam kết của ta cơ bản giống với cam kết khi gia nhập WTO. Ngược lại, Nhật Bản dành cho ta cam kết cao hơn rất nhiều so với cam kết mà Nhật đã đưa ra tại WTO. Về lâu dài, khi các nhà cung cấp dịch vụ của VN đã lớn mạnh, họ sẽ thu được nhiều lợi ích từ những cam kết này.

VN đang xuất siêu sang Nhật

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của VN - Nhật Bản đã đạt 14,2 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu 7,2 tỉ, nhập khẩu 7 tỉ USD, xuất siêu 200 triệu USD. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư có số vốn FDI thực hiện lớn nhất trong 10 tháng năm 2008 với 5,1 tỉ USD dù chỉ đứng thứ ba về vốn FDI cam kết sau Đài Loan, Malaysia.

C.V.K.
* Theo ông, các doanh nghiệp VN cần phải chuẩn bị như thế nào để khai thác tốt thị trường Nhật?

- Nhà nước đàm phán các hiệp định để khai phá thị trường. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ vẫn thuộc về doanh nghiệp. Tôi rất hi vọng các doanh nghiệp của ta sẽ khai thác được các cơ hội do Hiệp định VJEPA mang lại. Với việc Nhật xóa bỏ hàng rào thuế, họ sẽ có cơ hội để cạnh tranh về giá với các đối thủ khác trên thị trường Nhật.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào giá, lợi thế cạnh tranh sẽ không bền. Điều cốt lõi vẫn phải là nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, những yếu tố bảo đảm thành công ổn định, lâu dài. Hiệp định là nấc thang đưa bạn lên một vị trí mới thuận lợi hơn, nhưng có trụ lại được ở vị trí đó và phát triển tiếp hay không lại phụ thuộc nhiều vào chính bạn.

Về phía mình, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành để phổ biến rộng rãi nội dung của hiệp định, giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn, từ đó tận dụng được các cơ hội mà hiệp định đem lại.

* Cảm ơn ông.

XUÂN TOÀN thực hiện

Ký kết hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật

Sau gần ba tháng kết thúc thỏa thuận nguyên tắc về Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (EPA), ngày 25-12, lễ ký EPA đã diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản). Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, tham gia lễ ký có Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone.

Ngày 25-12, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản là ông Yasuhisa Kawamura cho hay theo EPA, trong 10 năm tới 92% kim ngạch thương mại hai chiều sẽ được miễn thuế. Nhật sẽ giảm thuế cho 95% hàng hóa xuất khẩu của VN và VN giảm cho 88% hàng Nhật.

Bộ Công thương dự kiến phối hợp với các bộ, ngành để phổ biến hiệp định tới các doanh nghiệp, vì theo bộ trưởng Hoàng, lời văn của hiệp định này khá ngắn nhưng các bản phụ lục, bảng biểu đi theo rất nhiều, nhất là các mã thuế, mã hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp VN cần tìm hiểu kỹ quy định của Nhật liên quan đến xuất nhập khẩu để hàng hóa không bị trả lại và chủ động nghiên cứu thị trường Nhật.

HƯƠNG GIANG

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Dự báo xuất khẩu gạo, cà phê, cao su 2 tháng cuối năm

http://www.thaibinhtrade.gov.vn/default.aspx?ID=16&LangID=1&NewsID=1818


Dự báo xuất khẩu gạo, cà phê, cao su 2 tháng cuối năm

Ngày cập nhập:12/12/2008

Cụ thể, về xuất khẩu gạo: Hiện nay, cả nước cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa mùa với sản lượng đạt gần 9 triệu tấn thóc, đưa sản lượng thóc cả năm ước đạt 38,6 triệu tấn. Dự kiến, khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng cuối năm đạt khoảng 700 ngàn tấn với kim ngạch 287 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng và trị giá so với cùng kỳ với giá xuất khẩu trung bình đạt khoảng 410 USD/tấn, giảm 35% so với giá xuất khẩu trung bình 10 tháng đầu năm nay. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt khoảng 4,8 triệu tấn, tăng 245 ngàn tấn so với năm 2007.

Do nhu cầu mua gạo trên thế giới tạm thời chững lại, giá nhiều mặt hàng nông, lâm sản đồng loạt giảm mạnh, nguồn cung gạo cho xuất khẩu ở nhiều nước như Thái Lan, Việt Nam tăng đã khiến giá gạo trên thế giới giảm mạnh và đứng ở mức rất thấp.

Về xuất khẩu cà phê: Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2008/2009, nguồn cung cà phê cho xuất khẩu được bổ sung, nhưng do giá tạm thời giảm mạnh khiến khối lượng xuất khẩu bị hạn chế. 10 tháng năm nay, cả nước đã xuất khẩu được khoảng 805 ngàn tấn cà phê với kim ngạch 1,69 tỉ USD, giảm 21% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007. Dự báo, 2 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 180 ngàn tấn với kim ngạch 275 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và giảm 25,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007.

Về xuất khẩu cao su: 10 tháng năm nay xuất khẩu cao su của cả nước đạt hơn 510 ngàn tấn, kim ngạch gần 1,4 tỉ USD, giảm 10% về lượng và tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007. 2 tháng cuối năm xuất khẩu cao su dự báo đạt 125 ngàn tấn với kim ngạch 250 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 2.000 USD/tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ 2007, giảm 26% so với giá xuất khẩu bình quân 10 tháng qua.

Bản tin công nghiệp

Xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2009 dự báo đạt 8,5 triệu tấn

http://cafef.vn/20081119021651297CA33/xuat-khau-gao-thai-lan-nam-2009-du-bao-dat-85-trieu-tan.chn

Thứ 4, 19/11/2008, 14:27

Xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2009 dự báo đạt 8,5 triệu tấn

(CafeF) - Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo năm 2009 chỉ đạt từ 8 - 8,5 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với con số 10 triệu tấn của năm 2008.

Theo thông tin từ Trung Tâm Thông Tin Thương Mại - Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng việc mua gạo giá cao theo chính sách can thiệp giá của chính phủ đã gây ảnh hưởng mạnh tới thị trường gạo nước này, làm cho giá gạo Thái quá cao so với gạo thế giới.


Các kho dự trữ gạo của chính phủ Thái Lan ngày càng đầy lên, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu khẩu gạo tạm ngừng các hợp đồng để chờ gạo xuống giá. Điều nguy hại hơn là chính sách này đã làm nguồn gạo đưa ra thị trường nhiều hơn cầu.



Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse trong chuyến khảo sát vựa lúa vùng Đông Bắc Thái Lan nói: "Chính phủ đã phát tín hiệu sai lầm ngay từ ban đầu. Giá gạo cao theo chương trình can thiệp giá của chính phủ khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích trồng lúa trong khi giá gạo đang có xu hướng giảm".



Theo ông Ophaswongse, giá gạo hấp dẫn trong vụ mùa vừa qua đã khuyến khích người nông dân trồng thêm 450.000 rai (1 rai = khoảng 16.000 m2) lúa, tương đương khoảng 3% sản lượng lúa. Trong khi đó thị trường gạo toàn cầu bỗng trở nên ảm đạm, không có hợp đồng lớn được ký kết.


Trong tuần đầu tiên của tháng 11, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 97.000 tấn gạo, giảm 62% so với cùng kỳ này năm ngoái.



Ông Chookiat Ophaswongse cũng cho biết các nhà nhập khẩu gạo hiện đã nhận ra rằng chính phủ hiện có lượng gạo dự trữ rất lớn, vì vậy họ đã giảm các hợp đồng mua gạo vì tin rằng giá gạo sẽ còn xuống thấp hơn nữa.


Bộ Thương mại Thái Lan hiện đang muốn giải phóng 3,1 triệu tấn gạo vốn được tích trữ từ 3 năm trước. Tuy nhiên, kế hoạch mua gạo, bắt đầu từ tháng này sẽ làm cho kho dự trữ tăng thêm 4,5 triệu tấn.



Chính phủ Thái Lan cũng ấn định giá mua gạo Hương nhài ở mức 15.000 bath/tấn; gạo trắng 100% với giá 12.000 bath/tấn. Với giá này, giá gạo xuất khẩu trên thị trường phải ở mức tối thiểu là 650 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu gạo Thái Lan trên thị trường hiện ở mức 550-560 USD/tấn.


Như vậy giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm tính cạnh tranh so với đối thủ hàng đầu là Việt Nam, hiện chỉ xuất khẩu gạo với giá 400-420 USD/tấn.



Ông Ophaswongse dự báo Thái Lan sẽ không thể đạt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2009 và cũng sẽ mất một số thị trường vào tay Việt Nam và Ấn Độ. Trong năm 2008, Thái Lan đã được hưởng lợi, do Việt Nam và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực trong nước.


Trong 9 tháng đầu năm 2008, nước này đã xuất khẩu được 8,3 triệu tấn gạo, chỉ tăng 36% về sản lượng nhưng doanh thu lại tăng đến 108%, đạt 166 tỷ bath.



Cùng chung ý kiến với ông Ophaswongse, Phó Chủ tịch Charoen Laothammatas nói rằng: "Nếu năm nay là năm vàng của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thì năm tới sẽ là năm khó khăn khi giá gạo có thể từ 1.000 USD/tấn xuống còn 300USD/tấn".



H.D

Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký

http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/13024/


Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký
Thứ Ba, 9/12/2008, 17:14 (GMT+7)

Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký

Nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo mới cho đầu năm 2009 vừa được ký - Ảnh minh họa: Hữu Thắng
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có dấu hiệu tích cực, khi một loạt hợp đồng mới được ký theo phương thức giao hàng CIF có khối lượng và trị giá lớn.

Theo Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo 5% tấm cho Malaysia với giá bán 460 đô la Mỹ/tấn và hợp đồng xuất khẩu bán 60.000 tấn gạo 5% tấm sang Iraq với giá 500 đô la Mỹ/tấn giao hàng tháng 1-2009.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuần qua dù có 2 hợp đồng xuất khẩu nhưng gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn giảm nhẹ từ 410 đô la Mỹ/tấn xuống 398 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm tiếp tục giảm mạnh từ 370 đô la Mỹ/tấn xuống còn 313 đô la Mỹ/tấn do nhu cầu nhập khẩu rất thấp từ loại gạo này.

Tuy nhiên, tình hình sẽ được cải thiện khi thị trường xuất khẩu gạo đang khai thông trở lại do nhu cầu nhập khẩu gạo tăng nhẹ.

Mặt khác, giá gạo xuất khẩu châu Á đang có xu hướng tăng trở lại và sẽ không giảm mạnh trong vài tuần tới. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, vào năm 2009, nhu cầu gạo thế giới sẽ tăng thêm khoảng 18 triệu tấn, do đó thúc đẩy giá gạo xuất khẩu tăng.

Theo TTXVN

http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/2008/12/2284020.epi?refer=www.phapluattp.vn%2Fnews%2Fkinh-te%2Fview.aspx%3Fnews_id%3D237981

Chính thức ngừng đánh thuế xuất khẩu gạo
24-12-2008 00:39:58 GMT +7
Q.NHƯ
Chuyển gạo xuất khẩu xuống tàu. Ảnh: CTV
(PL)- Bộ Tài chính vừa cho biết gạo xuất khẩu được chính thức ngưng đánh thuế từ ngày 19-12. Loại thuế xuất khẩu tuyệt đối này được áp dụng từ khoảng cuối tháng 7.
Sau một thời gian áp dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị bỏ thuế này để khuyến khích xuất khẩu gạo.

Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu mức thuế thấp nhất là 500.000 đồng/tấn nếu giá gạo xuất khẩu từ 600 đến 700 USD/tấn. Mức thuế này tăng dần theo giá xuất khẩu và đạt mức cao nhất là 2,9 triệu đồng/tấn nếu giá xuất khẩu vượt 1.300 USD.
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200852/20081224105959.aspx

Xuất khẩu gạo chạm ngưỡng 4,5 triệu tấn

24/12/2008 11:00
Xuất khẩu gạo chạm ngưỡng 4,5 triệu tấn.
Thống kê của Hiệp hội Lương thực VN cho biết, tính từ đầu tháng 12 đến nay các DN trong cả nước xuất khẩu thêm được 234.893 tấn gạo với trị giá 100,184 triệu USD.

Như vậy luỹ kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay đã đạt 4.479.336 tấn, trị giá tương đương 2,576 tỉ USD.

Trong khi đó, theo dự báo của Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, thị trường gạo thế giới năm 2009 sẽ tiếp tục tình trạng khan hiếm.

Một trong những nguyên nhân được cho là do khủng hoảng tài chính đang đẩy thêm nhiều người vào cảnh thiếu đói và nguồn vốn dành cho nông nghiệp sẽ bị hạn chế.

Mức tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2009 dự kiến sẽ đạt khoảng 426 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2008 trong lúc các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ có kế hoạch tăng lượng dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Theo Bình Nguyên / Lao Động